Thủ tướng: ‘Miền Trung phải bàn tiến chứ không bàn lui’

Các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có đủ điều kiện để phát triển nhanh hơn, tốc độ cao hơn, bền vững hơn. Cần tránh mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn tới ở các tỉnh miền Trung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại hội nghị phát triển kinh tế miền Trung do Chính phủ tổ chức ngày 20-8 ở Bình Định.

Còn nhiều điểm nghẽn

Sau khi ghi nhận những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế của khu vực miền Trung, Thủ tướng cho rằng phải thẳng thắn nhìn nhận khu vực này còn rất nhiều tồn tại cần khẩn trương khắc phục. Đó là động lực tăng trưởng nói chung, vai trò của công nghiệp nói riêng còn yếu và thiếu bền vững.

Hiện chỉ có bốn tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh về hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Các ngành công nghiệp vẫn chủ yếu thâm dụng tài nguyên, sử dụng lao động giản đơn, công nghệ chưa cao, liên kết ngành còn yếu, khả năng lan tỏa còn rời rạc. Nhiều tiềm năng của “rừng vàng, biển bạc” chưa được khai thác hiệu quả. Phát triển kinh tế biển vẫn chỉ mới bắt đầu.

“Các thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung nói riêng cũng như cho sự phát triển toàn vùng nói chung đang dần được hình thành nhưng còn nhiều thiếu vắng và chưa đồng bộ, đặc biệt là thể chế phân cấp quản lý kinh tế, thể chế liên kết vùng. Mỗi một địa phương miền Trung như một “đốt sống” kinh tế nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo tựa như đang mắc căn bệnh “thoát vị đĩa đệm”. Tình trạng phân mảnh về thể chế chính sách, cạnh tranh giành nguồn lực thay cho hợp tác và chia sẻ lợi ích đang làm cho nguồn lực khan hiếm bị lãng phí và không hiệu quả” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Chính phủ, chất lượng nguồn nhân lực ở miền Trung còn thấp và thường đi sau nhu cầu của thị trường. Một số tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn nhưng rất thiếu bền vững như thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm đến 1/4 trong tổng thu ngân sách. Hiện chỉ bốn trong 14 tỉnh trong vùng có ngân sách điều tiết về trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm thành tựu kinh tế miền Trung tại TP Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: TTTTBD

Xóa cục bộ để liên kết

TS Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung, cho rằng phải có thể chế, cơ chế vượt trội để vùng này phát triển. “Cần gỡ vướng thể chế để vùng miền Trung đi nhanh hơn mà không sợ ngã. Đây là thời cơ để miền Trung thịnh vượng, không còn là đòn gánh yếu, luôn sợ gãy nữa! Ngay bây giờ hoặc không bao giờ để vùng này thoát nghèo!” - TS Trần Du Lịch nói.

Thống nhất với tinh thần “ngay bây giờ hoặc không bao giờ” như nhiều đại biểu đã nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải vận dụng chiến lược kinh tế biển vào miền Trung, tập trung vào năm trụ cột kinh tế.

Đó là ngư nghiệp với nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Thứ hai là du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo, đồng thời khai thác thế mạnh của du lịch vùng phía tây của các tỉnh miền Trung. Thứ ba là cảng biển, các dịch vụ logistics.

Thứ tư là phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Thứ năm là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, đồng thời nghiên cứu các dạng năng lượng khác.

Nhấn mạnh việc liên kết vùng và thể chế phát triển vùng, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh miền Trung xóa lợi ích cục bộ, chủ động, nỗ lực liên kết phát triển theo tinh thần sáng tạo nhằm tạo ra làng sóng đầu tư mới, khai thác lợi thế kinh tế biển.

“Miền Trung thì phải bàn tiến chứ không bàn lui, kể cả việc liên kết lẫn nhau và liên kết với các tỉnh Tây Nguyên. Phải xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn. Miền Trung phải thực sự là “đất lành, chim đậu”, tạo điều kiện cho sự phát triển” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ chất lượng cơ sở hạ tầng ở miền Trung còn thiếu và yếu, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ. Trong khi đó, hạ tầng hàng không, cảng biển, khu kinh tế ở một số nơi đang dư thừa công suất.

“Chất lượng môi trường kinh doanh chưa cao, năng lực quản trị nhà nước, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều địa phương còn yếu đã làm giảm tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của nền kinh tế” - Thủ tướng nhận định.

14 tỉnh miền Trung có dân số khoảng 20,2 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm 28,9% cả nước, đóng góp gần 20% tổng GDP của cả nước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm