Thủ tướng, đại sứ tiếp thị hàng Việt

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đặc biệt thích thú khi đề cập đến việc lãnh đạo Việt Nam đã chủ động tiếp thị sản phẩm, hàng hóa, nhất là nông sản của Việt Nam ra quốc tế.

Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Tiến Lộc (ảnh)nói: Trong hội nghị tham tán thương mại do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ chuyện tranh thủ tiếp thị xoài, dừa, vải, thanh long… với các nguyên thủ quốc gia.

Khi gặp lãnh đạo Hàn Quốc, Thủ tướng tranh thủ nói chuyện trái dừa; khi gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng nói chuyện thanh long; gặp thủ tướng Úc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập đến quả vải, còn gặp thủ tướng Nhật thì lại nhắc chuyện trái xoài…

Cũng ngay trong hội nghị trên, Thủ tướng còn kể chuyện thủ tướng Armenia tặng ông và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng hai chai rượu để tiếp thị. Thực tế có rất nhiều lãnh đạo các nước đều tiếp thị sản phẩm, hàng hóa của quốc gia mình.

Đã có nhiều thay đổi

. Phóng viên: Nhưng chuyện tiếp thị xoài ở Nhật hình như không chỉ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thưa ông?

+ Ông Vũ Tiến Lộc: Đúng thế! Chẳng hạn Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đã rất thành công trong việc tiếp thị xoài Cát Chu. Khi gặp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản Motoo Hayashi, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã chọn xoài Cát Chu làm quà tặng. Đại sứ còn đăng lên trang cá nhân những hình ảnh ông chụp cùng những sản phẩm nông nghiệp như xoài, thanh long.

Đó là một trong những động thái tốt khiến từ cuối năm ngoái đã có rất nhiều tấn xoài Cát Chu được xuất khẩu sang Nhật với giá bán lẻ tại siêu thị lên tới gần 600 yen/trái, tức hơn 100.000 đồng. Xoài Cát Chu cũng đã có mặt tại một trong những hệ thống siêu thị lớn của Nhật Bản, siêu thị Aeon. Trước đó, thanh long ruột trắng của Việt Nam cũng được thị trường khó tính này chấp nhận.

Hay chúng ta cũng không quên nỗ lực của Đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị để đưa vải thiều vào thị trường này. Ông chính là người có công rất lớn để tổ chức “Ngày hội vải thiều” tại xứ sở chuột túi vào hồi tháng 7 năm ngoái nhằm quảng bá hình ảnh quả vải của Việt Nam. (Giá bán trái vải tại ngày hội này lên tới 260.000 đồng đến gần 400.000 đồng/kg, trong khi tại Bắc Giang khoảng 18.000-20.000 đồng/kg - PV).

Như vậy, phục vụ phát triển kinh tế thông qua xúc tiến xuất khẩu, một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ngoại giao của nước ta, vẫn được bền bỉ thực hiện.

. Từ những công việc cụ thể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các vị đại sứ, tham tán, theo ông thương mại hiện nay cần được hiểu thế nào?

+ Khái niệm thương mại trong nền kinh tế hiện đại và trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, EVFTA đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Việc xúc tiến thương mại hiện không chỉ là cung cấp kịp thời thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong việc tiếp cận các thị trường mua bán hàng hóa, thu hút đầu tư. Quan trọng hơn là các cơ quan hữu quan cũng như các DN cần tham mưu cho Chính phủ, giới thiệu những thực tiễn tốt nhất trên thế giới trong điều hành kinh tế, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, xây dựng và vận hành các chính sách… hỗ trợ DN.

. Có nghĩa là việc tiếp thị sản phẩm, dịch vụ… của Việt Nam ra thế giới chỉ là một bộ phận của xúc tiến xuất khẩu hiện đại?

+ Xúc tiến xuất khẩu theo quan điểm mới sẽ không đầy đủ nếu chỉ giới thiệu về các sản phẩm, dịch vụ, chất lượng và giá cả. Nó còn phải giới thiệu cả cách thức làm ra sản phẩm hàng hóa đó của các DN trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn về xã hội, quan hệ lao động, môi trường…

Trong thực tiễn thương mại quốc tế, nhiều khi hoạt động xúc tiến chỉ nhằm vào nội dung này nhưng lại tạo ra hiệu ứng bán hàng và tìm đối tác đầu tư rất tốt.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường (hàng thứ nhất, thứ ba từ trái qua) trong lần đi quảng bá xoài tại siêu thị Aeon Nhật Bản. Ảnh: Trang cá nhân của Đại sứ Nguyễn Quốc Cường

Tiếp thị sự minh bạch, sáng tạo...

. Lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài tiếp thị sản phẩm, xúc tiến xuất khẩu thì đã rõ. Các lãnh đạo nước ngoài có tiếp thị và xúc tiến thương mại tại Việt Nam không, thưa ông?

+ Đúng là không chỉ chúng ta mới làm vậy mà lãnh đạo các nước cũng thế.Tôi nhớ, tháng 7 năm ngoái, khi Thủ tướng và ngay sau đó Hoàng tử Anh sang Việt Nam, chúng tôi đều phối hợp hiệp hội doanh nghiệp Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức diễn đàn doanh nghiệp với sự hiện diện của Thủ tướng và Hoàng tử Anh.

Theo yêu cầu của Thủ tướng và Hoàng tử Anh, Chủ đề diễn đàn không giới thiệu về hàng hóa mua bán hay dự án đầu tư, mà lại tập trung vào vấn đề Minh bạch, Liêm chính và Sáng tạo trong doanh nghiệp. Thông điệp chính ở đây là động lực thúc đẩy và chuẩn kết nối quan hệ doanh nghiệp Việt-Anh cần xoay quanh trục chính về thực hành quản trị minh bạch, liêm chính và sáng tạo.

Bởi trong một nền thương mại văn minh, người ta phải thống nhất với nhau về cách thức làm ăn đã, sau đó mới bàn đến chuyện mua gì, bán gì, liên doanh, liên kết gì. Xây dựng và quảng bá hình ảnh về một môi trường kinh doanh, một cộng đồng DN Việt có trách nhiệm xã hội, quản trị minh bạch, liêm chính và chuyên nghiệp sẽ thúc đẩy đầu tư, thương mại của thế giới với Việt Nam và phải là nhiệm vụ mà các cơ quan thương vụ cần chung tay.

. Mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế, mà cụ thể là xúc tiến xuất khẩu của các lãnh đạo không thể thường xuyên. Điều này phụ thuộc vào các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, trong khi nhân lực và tài chính của các cơ quan này chưa chắc đã đủ đảm bảo. Vậy có cách giải quyết nào cho vấn đề này không?

+ Cơ quan thương vụ nhìn chung chỉ có thể cung cấp những thông tin và hỗ trợ chung. Còn những yêu cầu cụ thể, chuyên sâu như những nghiên cứu, khảo sát và tư vấn thị trường cho các dự án và ngành hàng chuyên biệt cần phải được bảo đảm kinh phí thông qua các hợp đồng cung ứng dịch vụ do DN đặt hàng.

Chúng tôi nghĩ các DN và hiệp hội DN trong nước sẽ sẵn sàng trả phí dịch vụ cho cơ quan thương vụ nếu cơ quan thương vụ có khả năng cung ứng các dịch vụ phát triển thị trường có hiệu quả cho DN. Vấn đề ở đây chính là chất lượng dịch vụ của các cơ quan thương vụ.

. Xin cám ơn ông.

Bí thư tỉnh tiếp thị nông sản qua danh thiếp

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh đã đưa các nông sản như khóm, bưởi, mía, cá thác lác và lúa, gạo lên danh thiếp. Trả lời báo chí, bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang giải thích đó là cách để ông tiếp thị nông sản của quê hương đến với bạn bè, DN trong và ngoài nước. Đồng thời thông qua danh thiếp gửi đến DN, xem như đây là cam kết của lãnh đạo tỉnh mời chào DN cùng tham gia đầu tư, xúc tiến liên kết tiêu thụ các sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh.

Theo ông Chánh, việc tiếp thị theo cách này không quá tốn kém chi phí tiền bạc nhưng đã mang lại hiệu quả nhất định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm