Thủ tục đầu tư nước ngoài quá rối rắm

Sáng 4-4, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng một số Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phía Nam làm việc với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để lắng nghe ý kiến về thủ tục đầu tư. Doanh nghiệp nêu vướng mắc thì nhiều nhưng cơ quan quản lý cũng “bí” vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Mua cổ phần: Rối

Đại diện một công ty luật cho biết khi hỏi ý kiến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM về việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty bất động sản Việt Nam thì nhận được hai cách trả lời. Một trả lời cho mua đến 30%, một trả lời khác lại cho mua đến 49%. Tuy nhiên, cả hai tỷ lệ này đều không tìm thấy quy định ở đâu cả.

Ông Ngô Công Thành - Trưởng phòng dịch vụ (Cục Đầu tư nước ngoài) thừa nhận rằng hiện nay đang “bí” và vướng mắc giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán. Thậm chí có trường hợp mua cổ phần của một công ty logistic, gửi văn bản hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai lần thì nhận được hai văn bản hướng dẫn có nội dung khác nhau. Ông Thành cho biết Bộ đang rà soát vướng mắc, có lẽ sẽ soạn riêng một nghị định hướng dẫn về mua bán, sát nhập có liên quan đến yếu tố nước ngoài, trong đó sẽ hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp trong nước mua cổ phần của nước ngoài lẫn nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước.

Liên quan đến mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, một công ty khác yêu cầu giải thích việc Phó Thủ tướng Chính phủ “nói rằng” nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của công ty đại chúng chưa niêm yết đến 40%. Tuy nhiên, nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư lại không quy định như vậy. Bây giờ phải thực hiện như thế nào đây? Ông Thành lại cho rằng chưa nhận được văn bản chính thức của Phó Thủ tướng về ý kiến trên.

Phía Nam “bảo thủ” hơn?

Ông Fred Burke - luật sư điều hành của Công ty Luật Baker & McKenzie cho biết ông cảm nhận rằng 15 tháng qua, các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh ở phía Nam có vẻ “bảo thủ” hơn. Điều đó dẫn đến vốn đầu tư vào phía Nam không có chất lượng cao, chủ yếu chỉ là đầu tư vào địa ốc, dệt may, da giày, còn đầu tư vào công nghệ cao đang “chảy” về phía Bắc. Cụ thể, ông cũng cho biết dự án của Intel tại khu công nghệ cao đang gặp khó khăn khi các nhà cung cấp linh kiện “phụ trợ” với Intel không được cấp phép vào “ở chung” trong khu công nghệ cao. Tuần rồi đã có một công ty bị từ chối. Trong khi, lẽ ra TP.HCM không nên từ chối những dự án công nghệ cao như vậy.

Một khó khăn khác bị than phiền là việc TP.HCM từ chối cấp phép xây dựng trường học tại trung tâm TP. Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết UBND TP đã yêu cầu như vậy để tránh tình trạng kẹt xe. Do đó Sở phải từ chối cấp phép cho các dự án đào tạo, xây trường ở trung tâm. Tuy nhiên, đây chỉ là “quy hoạch về địa điểm”, hoàn toàn không phải là “quy hoạch về ngành nghề”, nhà đầu tư có thể lựa chọn địa điểm khác không ở trung tâm TP.

Sáng tạo hay “hành”?

Luật sư Phan Thị Thùy Dương (Công ty Price Water House Coopers) cho biết tỉnh Bình Dương đã tự đặt ra thủ tục “chấp thuận nguyên tắc”. Nhà đầu tư phải “xin” văn bản chấp thuận đồng ý đầu tư về nguyên tắc trước, sau đó mới được làm thủ tục xin cấp phép chính thức. Trong khi đó, quy định về thủ tục đầu tư và thực tế đầu tư tại các tỉnh khác lại không cần “chấp thuận nguyên tắc” như vậy.

Ông Lê Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương giải thích rằng thủ tục này là một “sáng tạo” của Bình Dương nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư xin đầu tư ngoài khu công nghiệp. Nhà đầu tư chỉ cần khai báo thông tin cơ bản về ngành nghề, diện tích cần sử dụng, quy mô nhân công... Dựa trên thông tin này, các sở, ngành của Bình Dương sẽ họp lại xem địa điểm có phù hợp quy hoạch hay không, có tranh chấp đất đai hay không, có gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hay không... Nếu các sở, ngành chấp thuận thì tỉnh ra văn bản để nhà đầu tư “chắc cú” mà yên tâm thực hiện tiếp các công đoạn như trả tiền dịch vụ tư vấn, bỏ tiền lập dự án đánh giá tác động môi trường... Theo ông Dũng, rõ ràng việc chấp thuận nguyên tắc đã giúp nhà đầu tư đỡ tốn kém hơn. Nếu không thì nhà đầu tư sẽ tốn công, tốn của xây dựng bộ hồ sơ chính thức xin cấp phép nhưng lại không đảm bảo là có được cấp phép hay không.

Ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết Bộ đã trình Chính phủ nghị định hướng dẫn thực hiện các cam kết gia nhập, giải quyết nhiều lấn cấn lâu nay khi thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và cam kết gia nhập WTO.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm