Thủ thuật "thổi" đá quý, "nâng đời"’ ngọc

Đá quý có nhiều dạng như cẩm thạch, đá đa sắc cho đến kim cương hay ruby... Trong số đó, dân chơi đá quý thích nhất là ruby hoặc saphia.

Tuy nhiên, dẫu có tiền nhưng nguồn đá quý có sẵn trong tự nhiên cũng khó đáp ứng được nhu cầu này. Đây là nguyên nhân khiến các “tuyệt chiêu” biến đá dỏm thành đá quý xuất hiện.

Trước đây, dân “thổi” đá quý rất thích dùng đèn khò cùng một vài chất xúc tác để biến những viên đá có màu trắng đục xấu xí thành màu hồng tinh khiết, đặc trưng của loại đá ruby. Nếu như muốn một viên đá đỏ chuyển màu chỉ cần nung trong môi trường ôxy hóa và cho thêm chất crôm. Tương tự, cho một hàm lượng titan và sắt nhất định sẽ có ngay viên bích ngọc. Tuy nhiên, đó chỉ là cách làm của mấy tay “thổi” đá quý lặt vặt ở chợ đá quý Lục Yên (Yên Bái).

Đá quý thật và giả rất khó phân biệt

Đá quý thật và giả rất khó phân biệt

Đối với dân “thổi” ngọc chuyên nghiệp, phương pháp hay được sửa dụng nhất là dùng nhiệt. Với thiết bị nhiệt có thể đạt đến độ nóng từ 1.800 độ C đến 2.400 độ C thì ngọc xấu cũng thành đẹp. Với sức nóng này, các sợi tơ (đường vân) trong ngọc bị phá vỡ hoàn toàn và màu sắc sẽ được cải thiện đáng kể.

Đối với loại ngọc có khe nứt, không hoàn hảo trong tự nhiên thì dân “thổi” ngọc lấp đầy các khe nứt ấy bằng thủy tinh chì để tăng độ trong suốt cho ngọc. Trước tiên, ngọc thô được đánh bóng để loại bỏ các tạp chất trên bề mặt vì các chất này nếu không bị loại bỏ sẽ ảnh hưởng đến độ sáng của ngọc sau khi “thổi”.

Đánh bóng xong, dân “thổi” ngọc sẽ làm sạch các chỗ xù xì bằng axit flohydrite. Loại bỏ phần xù xì này, ngọc sẽ được đưa vào xử lý nhiệt lần đầu tiên. Quá trình này không cho bất kỳ chất nào vào trong ngọc, để loại bỏ thêm lần nữa các tạp chất trong khe nứt. Sau đó, ngọc được xử lý nhiệt lần thứ hai.

Ở lần xử lý nhiệt này, ngoài việc bổ sung các chất hóa học thì ngọc sẽ được nhấn chìm trong dầu và phủ bột thủy tinh có chứa chì sau khi đã hòa tan. Bột thủy tinh chì khi nung sẽ chuyển sang trong suốt đến vàng và nhuộm đều toàn bộ vết nứt của ngọc.

Ngay khi vừa được làm “lạnh” màu, ngọc sẽ trong suốt và không còn dấu vết. Nếu cần thiết thêm màu cho ngọc thì có thể dùng bột thủy tinh với các chất nhuộm màu như đồng hoặc axit kim loại như natri, canxi, kali...

Ở các công ty mua bán đá quý nghiêm túc, họ sẽ giới thiệu cho khách đây là loại ngọc đã qua xử lý nhiệt và giá thành ngọc sẽ giảm đi rất nhiều, có khi chỉ khoảng 1/10 so với ngọc tự nhiên. Một người chuyên buôn bán đá quý có hạng ở TP HCM nói: “Ngọc thô để hai viên cạnh nhau thì mình có thể nhìn được viên nào đẹp, xấu. Chứ ngọc đã qua xử lý nhiệt rồi thì tài thánh nhìn cũng không ra. Có lúc, ngọc đã qua xử lý nhiệt còn đẹp hơn gấp nhiều lần so với ngọc tự nhiên”.

Cũng như ruby, đá saphia cũng được dân “thổi” ngọc nâng cấp theo kiểu xử lý nhiệt như vậy. Với đá saphia, để tăng thêm màu vàng hoặc xanh cho đá chỉ cần thêm mangan và titan trong quá trình xử lý nhiệt thì saphia sẽ đẹp rạng ngời.

Nếu như dân chơi ngọc hay vấp phải rủi ro khi mua phải ngọc đã qua xử lý nhiệt, thì người sính kim cương lại dễ mắc phải chuyện “bỏ hàng đống tiền ra để mua kim cương... nâng cấp”.

Một viên kim cương chuẩn yếu tố được xét đến đầu tiên bao giờ cũng là độ trong suốt. Kim cương càng trong suốt thì có giá trị càng cao. Thứ đến là màu sắc, kim cương thông thường có màu trắng (ngoài ra còn có màu hồng, xanh, nâu, vàng) và giá trị của kim cương càng thấp đi nếu màu ngày càng xa chuẩn màu trắng ban đầu. Thang màu bắt đầu từ ký kiệu D (không màu) và xuống dần đến E, F, G, H... cho đến Z. Chính vì các chuẩn khắt khe đối với loại đá quý hiếm nhất hành tinh này, nên kim cương luôn là loại đá quý đắt nhất trong các loại đá.

Để kim cương đạt chuẩn trong suốt tối đa, dân “thổi” đá quý đánh bóng nó bằng cách cho vào lò áp suất ở nhiệt độ cao. Chỉ cần cho thêm chất huyết tương trộn lẫn với khí hydro thì kim cương sẽ đẹp đến mức không thể đẹp hơn. Trước đây, việc nâng cấp kim cương thường khá tốn kém. Tuy nhiên, từ dạo giới “thổi” đá quý nhập về từ Nhật loại hợp kim có thành phần cấu tạo từ titan, nhôm và crôm thì việc đánh bóng kim cương đã trở nên rất đơn giản.

Ngoài kim cương, ruby và đá saphia, một loại đá quý khác cũng rất được ưa chuộng và rất dễ bị... làm giả chính là cẩm thạch. Cẩm thạch tự nhiên được người chơi đá tin về công năng chữa bệnh của nó. Để tạo ra cẩm thạch đẹp, dân “thổi” đá quý có nhiều cách. Nhưng cách thông dụng nhất vẫn là đốt đá.

Đốt lò ở nhiệt độ cao, sau đó đẩy đá vào lò chờ cho đá tan chảy rồi bơm màu đá. Theo vệt chảy của đá, màu lan đi rất nhanh và đến khi “lạnh” màu thì dân “thổi” đá chỉ cần chặt những khúc màu đẹp để mang đi chế tác.

Cách phân biệt đá quý

Tại Việt Nam, chứng nhận về kiểm định kim cương của Bỉ được tin tưởng nhưng cũng có nhiều viên bị “nâng bậc” do các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ kiểm định. Chỉ cần nâng một bậc là khách hàng có thể mất thêm vài nghìn USD. Bên cạnh đó, những viên có khắc chìm chữ bằng tia laser ở Việt Nam cũng tăng giá so với những viên không khắc chìm từ 500 đến 600 USD. Nhưng ở một số nước khác, nhất là Thái Lan thì chỉ cần bỏ ra vài chục USD là có thể khắc chữ chìm lên kim cương thoải mái.

Thế mới có chuyện dân buôn kim cương mang kim cương từ Việt Nam sang Thái Lan, khắc chữ chìm lên kim cương để nâng giá. Thậm chí, không loại trừ cả việc dân buôn đá quý cấu kết với các trung tâm kiểm định nhỏ để đánh lừa khách hàng mua đá quý.

Theo ông Đinh Khắc Duy, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vạn Sài Gòn chuyên kinh doanh đá quý: “Để có thể hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất khi mua đá quý, khách hàng nên tìm đến những địa chỉ có uy tín và có chế độ bảo hành tốt”.

Theo CAND

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm