Thu phí ATM trái phép: phải xử lý nghiêm

Thu phí ATM trái phép: phải xử lý nghiêm ảnh 1
Người sử dụng dịch vụ ATM cần được sự bảo vệ pháp lý. Trong ảnh: rút tiền từ thẻ ATM ở Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM Ảnh: THANH ĐẠM
Số tiền mà mỗi chủ thẻ bị mất có thể không lớn; nhưng trong điều kiện số người, số lần giao dịch có thể lên tới hàng triệu mỗi ngày, không khó để nhận ra rằng những ngân hàng tự tiện thu phí đã chiếm đoạt của khách hàng những khoản tiền, tính tổng cộng trung bình một ngày thôi, đã lên tới hàng tỉ đồng.Không ai đòi hỏi ngân hàng thương mại cung ứng miễn phí một dịch vụ, tiện ích của họ.

Điều gây bức xúc là ngân hàng tự đặt ra phí và ấn định mức thu một cách đơn phương, chứ không phải theo sự thỏa thuận trước với khách hàng. Được yêu cầu lý giải về cơ sở pháp lý, ngân hàng dẫn ra pháp lệnh phí và lệ phí cùng với các nghị định, thông tư liên quan. Rõ ràng các ông chủ ngân hàng đang ứng xử trong tư thế người được Nhà nước ủy thác cung ứng dịch vụ công, thậm chí còn “oai” hơn, bởi việc thu phí được thực hiện mà không cần thông báo trước.

Trong khi đó, chẳng ở một xứ sở văn minh nào mà dịch vụ ngân hàng thương mại lại được xếp cùng loại với các dịch vụ công, như hộ tịch, công chứng, đăng ký bất động sản, đăng ký kinh doanh...

Đặc biệt, chủ thẻ ATM đến một ngân hàng để mở tài khoản giao dịch không phải theo lệnh của Nhà nước, mà trong khuôn khổ một quan hệ hợp đồng dân sự. Theo đúng nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, mọi điều khoản của hợp đồng, bao gồm các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, phải là kết quả của sự thương lượng sòng phẳng và minh bạch giữa hai bên.

Cũng có thể trong quá trình vận hành mạng lưới cung ứng dịch vụ ATM, ngân hàng có nhu cầu nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để cải thiện chất lượng phục vụ và do công việc đó đòi hỏi chi phí, ngân hàng muốn yêu cầu người sử dụng dịch vụ phải trả một khoản phí bổ sung.

Tuy nhiên, trong điều kiện giữa ngân hàng và chủ thẻ ATM đang bị ràng buộc bởi một hợp đồng cung ứng dịch vụ đã ký từ trước, việc nâng cấp hệ thống và thu phí bổ sung phải là kết quả của sự thỏa thuận trong khuôn khổ sửa đổi hợp đồng.Về mặt lý thuyết, nếu ngân hàng đã lỡ nâng cấp hệ thống, nhưng khách hàng lại không chịu sửa đổi nội dung hợp đồng đang có hiệu lực thì ngân hàng phải để khách hàng được hưởng miễn phí tiện ích mới cho đến khi hết hạn hợp đồng giữa hai bên.Không biết đến khi nào người sử dụng dịch vụ ngân hàng ở VN mới được hưởng đầy đủ sự bảo vệ pháp lý dành cho kẻ yếu.

Dẫu sao, trước mắt Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền phải có biện pháp xử lý nghiêm và kiên quyết đối với các tổ chức và cá nhân liên quan đến việc lén thu phí giao dịch qua máy ATM, theo cách xử lý một vụ phạm pháp. Nếu không, hàng loạt chủ trương đúng đắn, như trả lương cho người lao động qua ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt để giảm nguy cơ lạm phát... có thể sẽ thất bại do sự quay lưng của xã hội đối với cái gọi là dịch vụ ngân hàng tự động.

Đòi hỏi ngân hàng ứng xử “quân tử”

Ở các nước tiên tiến, luật pháp còn có thể đòi hỏi các ngân hàng phải ứng xử một cách “quân tử”, cả trong thương thảo và thực hiện hợp đồng cung ứng dịch vụ, tiện ích; bởi trong quan hệ so sánh về sức mạnh kinh tế, ngân hàng luôn được cho là bên mạnh hơn và do đó có điều kiện o ép khách hàng vào một giao kèo không bình đẳng. Ngân hàng có thể bị xử phạt nặng trong trường hợp tìm cách móc túi khách hàng thông qua việc cung ứng dịch vụ. Một ví dụ điển hình cho kiểu móc túi này là sau khi đạt được thỏa thuận về thu phí giao dịch ngoại mạng, ngân hàng đặt máy ATM một cách không hợp lý, không thuận tiện, thường xuyên để máy trong tình trạng không có tiền, để rốt cuộc người sử dụng thẻ phải tìm đến máy của ngân hàng khác giao dịch và tất nhiên phải trả phí...

Theo PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm