Thu hút đầu tư nước ngoài: Phải thêm hạ tầng, giảm thủ tục

Sáng qua (27-6), UBND TP.HCM đã tổ chức tổng kết 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Buổi làm việc này cho thấy điểm hạn chế nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng thì thiếu thốn nhưng thủ tục thì lại thừa!

Hạ tầng không đồng bộ

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), cho rằng TP.HCM có một sự bền bỉ đáng kinh ngạc trong nỗ lực thúc đẩy xuất nhập khẩu và thu hút vốn đầu tư. “Là một người bạn thân của Việt Nam, tôi đề xuất hai giải pháp chính để thúc đẩy đầu tư nước ngoài. đó là các bạn cần nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng và giảm thiểu thủ tục hành chính”.

Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng gặp phải những vấn đề khó giải quyết. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng cơ sở hạ tầng của ta quá chật hẹp. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng nằm trong tình trạng “nhìn thấy mà không làm gì được”. Bởi lẽ, muốn xây dựng cơ sở hạ tầng thì cần rất nhiều vốn, trong khi đó thì quy hoạch chưa xong, dự án chưa được chuẩn bị tốt, vốn cũng không có, muốn kêu gọi vốn tư nhân thì cơ chế không đồng bộ, cách làm dự án “rất rầy rà”, mỗi khâu đều mất hai, ba năm.

Phó Thủ tướng cũng dẫn chứng điển hình về cầu Đồng Nai. Cây cầu này rất được coi trọng trong việc xây dựng nhưng đến khi cầu xong rồi thì lại vẫn chưa có đường sá. Cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ tiếp nhận hơn 120 triệu tấn hàng hóa. Chúng ta đang cố gắng khai thác cảng này để rút ngắn một nửa thời gian cho tàu hàng xuất nhập khẩu. Thế nhưng xe chở hàng đi ra khỏi cảng mà đi trên quốc lộ 51 thì thời gian chậm gấp đôi lên! Bây giờ chúng ta tính chuyện nâng cấp đường sá thì cũng phải mất hai năm nữa đường mới xong. Vậy trong thời gian đó, hàng hóa sẽ đi lối nào?

Thời gian kéo dài, mất lòng tin

Khi tổng kết thành tích thu hút đầu tư nước ngoài 20 năm qua, TP.HCM cũng nêu ra một số điểm hạn chế. Cụ thể, đầu tiên là thời gian cấp phép cho dự án kéo dài hơn quy định. Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết đối với các dự án phải qua thủ tục thẩm tra thì Sở sẽ phải gửi hồ sơ dự án cho các bộ, ngành để lấy ý kiến thẩm tra. Theo quy định thì thời hạn của toàn bộ thủ tục thẩm tra này là 30-45 ngày, sau đó Sở phải cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, khi các bộ, ngành nhận được hồ sơ thì không giải quyết đúng hạn (tối đa 15 ngày) mà có khi kéo dài 20-30 ngày. Vì vậy, toàn bộ quy trình cũng bị kéo dài theo, không đúng hẹn hoàn tất hồ sơ cho nhà đầu tư, làm giảm sự tin tưởng của nhà đầu tư.

Ngoài ra, do TP chưa có quy hoạch đô thị tổng thể nên nhiều nhà đầu tư có dự án lớn gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm đầu tư. Do chưa có quy hoạch nên nhà đầu tư đều phải xin ý kiến chấp thuận chủ trương từ quận, huyện, gây thêm chậm trễ trong công tác cấp phép đầu tư.

Về vướng mắc này, Sở cũng kiến nghị các bộ, ngành có cơ chế ưu tiên, đảm bảo thời gian cho việc trả lời chủ trương đầu tư. Ngoài ra, đối với các dự án cần thẩm tra mà nội dung dự án đó tương tự như các dự án trước đã được trả lời chấp thuận chủ trương thì áp dụng “tiền lệ”, khỏi cần xin ý kiến nữa.

Thủ tục không hợp chuẩn quốc tế

Thêm vào đó, quy định về phân loại ngành nghề chưa rõ ràng và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế cũng gây vướng mắc cho việc cấp phép đầu tư. Hiện nay, việc phân loại ngành nghề được thực hiện theo Quyết định 10/2007 của Thủ tướng. Danh mục ngành này, nhất là các ngành dịch vụ không khớp với danh mục ngành trong hệ thống phân ngành chi tiết của Liên Hiệp Quốc và biểu cam kết gia nhập WTO. Vì vậy mà cán bộ xử lý hồ sơ cũng lúng túng. Nếu dùng quy định trong nước (Quyết định 10/2007) thì không phân ngành được mà dùng hệ thống phân ngành Liên Hiệp Quốc thì cũng không chắc về giá trị pháp lý, không chính thức. Thậm chí có những trường hợp cơ quan quản lý hiểu cách này, nhà đầu tư hiểu cách khác nhưng không có “chuẩn” nên không giải quyết mâu thuẫn được.

Sở cũng đã kiến nghị dịch danh mục ngành kinh tế này sang tiếng Việt để tránh giải nghĩa, hiểu khác nhau. Về lâu dài thì cần phải sửa đổi hệ thống phân ngành của trong nước cho phù hợp với quy định của quốc tế.

Tính đến cuối năm 2008, tổng số dự án còn hiệu lực tại TP.HCM là trên 3.100 dự án, chiếm 87% trong tổng số dự án đã đăng ký. Tỷ lệ này được đánh giá là khá cao.

Trong 20 năm qua, đã có trên 10,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện, chiếm gần 40% số vốn đăng ký. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài cho công nghiệp, xây dựng chiếm gần 50%, đầu tư vào bất động sản chiếm trên 20%, còn lại là các ngành khác.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm