Thông tin mới về kho nhôm Trung Quốc tại Vũng Tàu

Sáng 28-12, tại cuộc họp báo thông tin về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới năm 2017, ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), đã thông tin về kết quả kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam có trụ sở tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Kho nhôm khổng lồ 500.000 tấn tại Vũng Tàu. Ảnh: Wall Street Journal 

Theo ông Hùng, thời gian qua, thông tin báo chí có đưa đồng loạt về nghi vấn kho nhôm nói trên có dấu hiệu lợi dụng buôn lậu, tuồn hàng xuất xứ Trung Quốc vào.

Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì tiến hành kiểm tra. Một số cơ quan khác ở Trung ương như cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế cũng vào xác minh; phía hải quan cũng đã tiến hành nghiệp vụ xác minh.

“Thông qua kiểm tra của đoàn liên ngành, của hải quan và của các cơ quan khác, cho đến nay xác định các nghi vấn về sai phạm cụ thể của doanh nghiệp như báo chí nêu chưa có cơ sở, chưa có căn cứ. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và một số cơ quan chức năng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cho Công ty Nhôm Toàn Cầu thực hiện đúng pháp luật, đúng thông lệ quốc tế” - ông Hùng nói.

Trước đó, cuối năm 2016, một số báo dẫn nguồn từ Wall Street Journal cho hay sau khi bị Mỹ đánh thuế bán phá giá, công ty của tỉ phú Liu Zhongtian và nhiều nhà xuất khẩu nhôm Trung Quốc đã tìm cách thành lập các pháp nhân bí mật tại những nước như Mexico hay Việt Nam để che giấu nguồn gốc, xuất xứ nhằm trốn thuế khi xuất khẩu hàng của mình vào Mỹ.

Đầu năm 2017, 500.000 tấn nhôm được chất lên tàu và chuyển từ Mexico đã được vận chuyển tới một cảng biển ở Vũng Tàu.

Trước sự việc này, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.

Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam có trụ sở tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Dự án này do hai người gốc Trung Quốc, quốc tịch Úc là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong góp vốn làm chủ đầu tư. Theo giấy phép đầu tư do Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp, thời hạn hoạt động của dự án là 37 năm kể từ năm 2011.

Việc kiểm tra thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhằm làm rõ thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm