Thời điểm ‘vàng’ để ngành dược Việt bứt phá

Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc của Navigos Group Việt Nam (Công ty hàng đầu cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao) đã có nhận định về môi trường việc làm trong ngành dược và thiết bị y tế.

Người đứng đầu nhà tuyển dụng Navigos Group cho rằng ngành dược- thiết bị Y tế tại Việt Nam hiện nay sở hữu rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển.

Cụ thể, nền kinh tế tăng trưởng liên tục, thị trường tiêu dùng ngày một trưởng thành hơn, nhận thức về sức khỏe và hành vi sử dụng các sản phẩm dược của người dân Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực, nhân lực ngành dược có chuyên môn cao.

“Ðây được xem là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp dược- thiết bị Y tế tại Việt Nam phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và chiến lược giữ chân nhân tài chưa đạt hiệu quả vẫn còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp dược để bứt phá”- ông Gaku Echizenya nhận xét.

Ngành dược- thiết bị Y tế tại Việt Nam hiện nay sở hữu rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển. Ảnh minh họa.

Theo đó, Navigos Group đã có những đề xuất để doanh nghiệp có những chiến lược tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả hơn. Từ đó, ngành dược- thiết bị Y tế tại Việt Nam mới có thể tự tin nắm bắt thời kỳ “vàng” để phát triển vượt bậc và nâng tầm vị thế trong khu vực và trên thế giới trong tương lai.

Đáng chú ý, mặc dù các chế độ lương thưởng, phúc lợi của ngành dược khá hấp dẫn trên thị trường nhưng đây không phải lý do lớn nhất để ứng viên đến với nghề. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 23% ứng viên chọn lý do này.

Phần đông các ứng viên (43%) ngành dược cho rằng lý do chính là họ muốn học hỏi để được làm việc trong ngành lâu dài và gắn bó với lĩnh vực này.

Điều này cho thấy nhân sự ngành dược thể hiện xu hướng gắn bó và ổn định lâu dài (có 28% chọn sẽ ở lại trên 5 năm).

Các vị trí luôn có nhu cầu tuyển dụng nhiều tại công ty dược đều liên quan đến khối thương mại, thị trường. Trong đó, 51% nhà tuyển dụng cho biết họ luôn có nhu cầu tuyển dụng trình dược viên, vị trí nhiều tiếp theo là quản lý kinh doanh khu vực, chiếm 30%. Các vị trí khác như phát triển thị trường, dược sĩ xếp vị trí thứ 3.

Dù luôn trong tình trạng khan nhân lực, tuy nhiên doanh nghiệp thừa nhận thách thức lớn nhất hiện nay khi tuyển dụng là khan hiếm nguồn ứng viên đạt yêu cầu. Cùng đó, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kiểm tra năng lực của ứng viên và ứng viên có thể đồng thời làm việc tại nhiều công ty vào cùng một thời điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm