Thịt heo nội, ngoại nhập 'rủ nhau' leo thang

Ông B., thương lái thu mua heo của công ty nước ngoài, cho biết hôm nay (21-11) giá heo công ty này đưa ra 68.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với hôm qua. Do tình hình nguồn cung giảm nên việc mua heo từ doanh nghiệp (DN) này cũng bị giảm 50% sản lượng. Ví dụ, bình thường mối quen bán 100 con, nay họ chỉ bán 50 con. Trong khi đó, ở các công ty tư nhân mua heo bao nhiêu cũng có nhưng giá cao, 72.000-77.000 đồng/kg.

Theo ông B., giá heo hơi vẫn còn ở mức cao là do khoảng nửa tháng nay có tình trạng heo từ Thái Lan, Campuchia qua Việt Nam nhưng có lẽ lượng heo này bị bắt vì không có giấy tờ…

Cùng thông tin trên, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi đang khựng lại còn khoảng 70.000 đồng/kg. Nguyên nhân một phần do heo từ Thái Lan, Campuchia nhập tiểu ngạch về Việt Nam. Bên cạnh đó, với thông tin cơ quan nhà nước cho biết sẽ có thể nhập 200.000 tấn heo để bù đắp thiếu hụt cho lượng heo trong nước cũng là một phần nguyên nhân giá heo hơi giảm tạm thời.  

Theo ông Công, khó có tình trạng thương lái hay người chăn nuôi trữ heo lại chờ tết để bán giá cao, vì với dịch tả heo châu Phi thì việc trữ hàng lại như bom nổ chậm. Họ sẽ bán heo đi để giải phóng chuồng trại nhằm đảm bảo an toàn sinh học. 

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn cung thế giới đang thiếu. Do đó, các quốc gia không bị ảnh hưởng dù cung ứng hết tốc lực cũng không đủ cho thị trường Trung Quốc. Mặt khác, nếu những quốc gia đó xuất khẩu được sang Trung Quốc để kéo giá xuống thì heo Trung Quốc hiện không thể ở mức 15 triệu đồng/tạ được” - ông Công nói.

Dự báo ba tháng cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn thịt heo.

Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT dự báo nguồn cung thịt heo cho tháng 11, 12 và tháng 1-2020 thiếu khoảng 200.000 tấn. Tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70.000 tấn thịt heo hơi.

Ngày 18-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt heo và có kế hoạch tái đàn. Đề xuất số lượng nhập khẩu thịt heo cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước…

Theo Bộ NN&PTNT, hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt heo chính ngạch vào Việt Nam gồm Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Mexico... Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT hướng dẫn, tạo điều kiện cho các DN chế biến, DN phân phối thực phẩm, đặc biệt là các DN đã đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt heo thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và tết Nguyên đán.

Ông Quách Phong, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting, cho biết thực tế là DN đã nhập heo từ đầu năm vì lo ngại dịch tả heo ảnh hưởng thương hiệu nhưng chủ yếu vẫn là do nhà hàng, cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm. Theo Ipsos Business Consulting  nghiên cứu, có nhà hàng đã chuyển hẳn sang thịt heo nhập từ giữa năm. Riêng heo nhập để cho bán lẻ thì cũng có tại siêu thị, tuy nhiên mức độ ít hơn nhà hàng cơ sở.

"Bộ Công Thương đã thông báo là cân nhắc nguồn nhập khẩu dựa vào quan hệ thương mại hai bên chứ không phải là quốc gia nào cũng đều nhập khẩu. Theo thông tin chúng tôi được biết mới nhất là Hà Nội sẽ nhập khẩu thịt heo từ Pháp và Indonesia" - ông Phong nói.

Một số DN trong ngành cho biết hiện nay Trung Quốc đã nhập heo, gà từ Mỹ trở lại nên giá nguồn hàng cũng đang được để dành cung cấp cho thị trường Trung Quốc nên giá heo thế giới đang tăng cao. Vì vậy, hiện tại DN muốn nhập khẩu heo thì giá lại cao, nguồn hàng khó nên họ rất cân nhắc.

Ông L., một nhà nhập khẩu thực phẩm, cho biết hiện tại nhu cầu mua heo từ Trung Quốc rất cao, hút hàng đến nỗi thời điểm này các nhà cung cấp từ nước ngoài không có hàng để chào với công ty. Do đó, giá mặt hàng ngoại nhập nào cũng tăng cao. Chẳng hạn, heo bên 3,50 USD/kg, đùi heo 3,50 USD/kg, ba rọi 3,80 USD/kg, vai bò 6,70 USD/kg, đùi bít tết 7,8 USD/kg, thăn ngoại 7,80 USD/kg...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm