Thiếu phong bì, quả trứng không được lên kệ siêu thị

Đây là thực tế được ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế nêu ra tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2017 và dự báo năm 2018 do Học viện Tài chính tổ chức ngày 9-1.

Ông Phú cho biết giải cứu thịt heo vừa qua là câu chuyện đáng buồn với ngành chăn nuôi Việt Nam. Người tiêu dùng mua thịt ở siêu thị với giá gấp nhiều lần so với giá heo hơi người nông dân cung cấp cho siêu thị. Hàng hóa tại Việt Nam phải trải qua nhiều khâu trung gian và lợi nhuận bị khâu bán lẻ hưởng một cách quá mức.

Người sản xuất ra của cải vật chất là nông dân, thường bị thiệt thòi, ép cấp, ép giá; người tiêu dùng xã hội phải sử dụng hàng hóa với giá cao vô lý... ”Khi giá thịt heo hơi của người chăn nuôi giảm xuống dưới 50% thì giá thịt lợn tại một số siêu thị vẫn khoảng 100.000 đồng/kg” - ông Phú dẫn chứng.

Ông Phú cho biết một số siêu thị bán lẻ ép nhà cung ứng bằng phí đầu kệ, sinh nhật, phí gầm bàn, chiết khấu… Tất cả cái đó làm nản chí các nhà cung ứng hàng hóa vào khâu bán lẻ và giết sản xuất. “Quả trứng, cân thịt muốn lên kệ siêu thị cần có phong bì, nếu không có phong bì thì chấp nhận bị nhét trứng dưới gầm kệ, gầm bàn” - vị này nêu thực tế.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng công tác dự báo thông tin về thị trường còn hạn chế, không chủ động điều hòa cung cầu tốt, nhất là mặt hàng thịt lợn. Từ đó, làm giá thịt lợn giảm mạnh và nhiều so với giá thành sản xuất gây lỗ cho người chăn nuôi. “Giá bán thấp nên lại tiếp tục điệp khúc giải cứu” - ông Thỏa chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, năm 2017, tình hình sản xuất nông nghiệp thuận lợi, nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường và phục vụ xuất khẩu, giá các mặt hàng không có biến động lớn trừ trường hợp giá một số sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh.

Cụ thể, trong giai đoạn đầu năm, thị trường các sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ (do xuất khẩu lợn thịt sang Trung Quốc bị ngừng trệ), cung trong nước vượt cầu, giá các sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, trứng gia cầm theo giá thịt lợn đã giảm mạnh so với trước đó (giảm khoảng 40%-60%).

Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho các sản phẩm thịt trong nước; tích cực mở rộng, khơi thông thị trường xuất khẩu. Từ cuối tháng 5-2017, tiêu thụ các mặt hàng này đã được cải thiện, giá tăng nhẹ, bảo đảm cho người chăn nuôi tái đàn.

Nhận định về giá cả năm 2018, ông An cho biết mặt bằng giá thực phẩm năm 2017 thấp sẽ là thách thức lớn cho nhóm hàng này trong năm 2018 (do tính bình quân so với cùng kỳ và đây là nhóm hàng có tỉ trọng lớn trong cơ cấu CPI). Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa sẽ chịu áp lực tăng nếu tăng thuế VAT.

Do vậy ông An đề xuất, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ liên quan đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng đáp ứng yêu cầu về chất lượng ngày càng cao của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, liên kết chặt chẽ với khâu tiêu thụ, tránh sản xuất theo phong trào làm giảm hiệu quả kinh tế.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng thiết yếu, đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm theo phân công.

Ngoài ra, theo ông An, Bộ Tài chính cần xem xét, đánh giá tác động nhiều chiều của việc điều chỉnh tăng thuế VAT đối với hàng hóa nhằm bảo đảm hiệu quả thực sự trong thu ngân sách, giảm áp lực tăng giá hàng hóa cho thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm