Thiếu mì gói, phở khô…: Giải quyết bằng cách nào?

Những ngày qua, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường. Theo đó, người dân sẽ được cấp phát phiếu mua hàng theo ngày hoặc theo giờ tùy khu vực. Tuy nhiên, dù có phiếu thì người dân nhiều khi vẫn không thể mua được hàng hoặc phải chờ đợi ít nhất 4-5 giờ mới mua được...

Có phiếu đi chợ cũng khó mua hàng

Chị Phan Thị Thảo (phường 9, quận Gò Vấp) cho biết gia đình chị được phát phiếu đi chợ trong địa bàn phường, không quy định khung giờ. Thế nhưng khi tới các cửa hàng, siêu thị trong khu vực phường luôn trong tình trạng xếp hàng dài. Vì vẫn phải làm việc cơ quan qua online nên chị đành quay về và buổi trưa quay trở lại để bớt đông người.

“Khoảng từ 11 giờ 30 đến 12 giờ trưa, tôi ghé ba cửa hàng Co.op Food, VinMart+ và Bách Hóa Xanh trên địa bàn thì hàng hóa đã vãn rất nhiều. Thứ còn thì không cần, thứ cần thì không còn. Thịt heo ở đây cũng chỉ còn lại thịt đông lạnh cắt ra; phần thực phẩm ngon thì người ta cũng mua hết, rau củ quả còn rất ít. Thậm chí, những mặt hàng đồ khô thông dụng như mì gói Hảo Hảo, 3 Miền; miến, bún tươi, nui Phú Hương cũng… hết sạch” - chị Thảo cho biết.

Tương tự, chị Minh Hà cho biết vào Siêu thị Emart (quận Gò Vấp) để mua thực phẩm theo phiếu mua hàng mà phường đã cấp nhưng phải mất nhiều giờ chờ đợi.

“Tôi tranh thủ đi thật sớm để ít người và vô mua nhanh rồi về, vậy mà tới nơi 7 giờ sáng đã có rất nhiều người xếp hàng đứng chờ. Để mua đủ thực phẩm, tôi phải mất 4-5 tiếng đồng hồ chờ đợi. Mặc dù các siêu thị lớn nguồn hàng dồi dào nhưng mất quá nhiều thời gian, trong khi đó các siêu thị nhỏ lại chẳng mua được gì mà vẫn mất một phiếu đi chợ” - chị Hà thở dài.

Mới đây, ngày 30-7, nhiều người dân tại phường Thảo Điền, TP Thủ Đức đi chợ đúng ngày theo phiếu đã cấp cũng không thể mua được hàng. Nguyên nhân là ngay từ đầu giờ chiều, Siêu thị MM Mega Market An Phú bất ngờ đóng cửa do khách hàng quá đông.

Tại một số siêu thị, nguồn hàng mì gói, bún, phở... ăn liền trở nên eo hẹp hơn. Ảnh: THU HÀ

Nhà máy cũng thiếu nguồn hàng

Đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh thừa nhận hiện các sản phẩm ăn liền như mì gói, bún, phở… đang được người tiêu dùng mua rất nhiều. Trong khi đó, các sản phẩm này ở một số điểm bán đều rơi vào tình trạng hết hàng cục bộ do không có nguồn cung hoặc vừa nhập về thì khách hàng đã mua hết ngay.

Trên website của siêu thị này cũng thể hiện rõ ở khu vực TP.HCM, nguồn hàng mì ăn liền trở nên ít sự lựa chọn hơn và có sự phân phối không đều ở các khu vực. Ví dụ, một số điểm ở các quận 1, 3, Gò Vấp, các loại mì như 3 Miền, Gấu Đỏ, Hảo Hảo; bún, phở… được thông báo hết hàng và sẽ bán lại sau dịch COVID-19. Một số khu vực khác tạm ngưng bán online do hết nhân viên giao hàng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam, cho biết: Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, cộng với việc thực hiện phương châm “ba tại chỗ” đã khiến cho tổng sản lượng sản xuất của công ty bị giảm so với bình thường. Thêm vào đó, hiện nay số lao động của công ty đăng ký “ba tại chỗ” chỉ chiếm khoảng một nửa tổng số lao động.

“Do đó, sản lượng sản xuất giảm rất nhiều so với bình thường và điều này dẫn đến một vấn đề lớn là nguồn cung của chúng tôi đang không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để đáp ứng việc cung ứng hàng hóa cho các điểm bán, nhà phân phối tại TP.HCM trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi đang phải tập trung sản xuất và cung ứng một số sản phẩm chủ lực của công ty” - ông Kajiwara Junichi cho biết.

Song ông Kajiwara Junichi thông tin thêm hiện nay các đối tác vận tải của công ty cũng xuất hiện ca nhiễm. Điều này đã dẫn đến tình trạng không đủ xe tải vận chuyển hàng, gây ảnh hưởng đến việc giao hàng cho các nhà phân phối, các hệ thống siêu thị và ảnh hưởng đến việc trung chuyển thành phẩm giữa các chi nhánh của công ty.

Tương tự, ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, cũng thừa nhận công ty buộc phải đóng cửa một xưởng sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào. Cụ thể là cá để sản xuất chả cá, đồ hộp, đồ khô…

Điều này khiến nguồn hàng phân phối cho các hệ thống bán lẻ như cửa hàng thực phẩm, siêu thị... bị thiếu hụt, không đủ cung ứng cho thị trường. Để khắc phục, hiện công ty đang tăng năng suất lao động, tìm thêm nguồn nguyên liệu để bù đắp thiếu hụt hiện nay.

Cần tăng điểm bán và giờ mua hàng cho người dân

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thực tế nguồn hàng thiết yếu về TP.HCM không thiếu. Song các kênh phân phối như siêu thị, điểm bán hàng… hiện không đáp ứng nổi nhu cầu vì quá nhiều chợ bị đóng cửa khiến cho hàng hóa chỗ thiếu, chỗ thừa. Cụ thể, đến nay toàn TP hiện chỉ còn 27/237 chợ đang hoạt động, chủ yếu ở các vùng ven, ngoại thành, trong nội đô hầu hết các chợ đã ngưng toàn bộ.

“Thế nên áp lực mua hàng thiết yếu dồn hết lên các hệ thống phân phối hiện đại. Trong khi đó, các chuỗi bán hàng hiện đại cũng có nhiều điểm tạm ngưng vì có ca F0, nhân viên bị thiếu hụt vì phải đi cách ly... Ngoài ra, thời gian hoạt động tại siêu thị hiện nay giới hạn từ 7 giờ đến 17 giờ. Điều này khiến thời gian mua sắm của người tiêu dùng bị thu hẹp, dẫn tới việc phân phối hàng hóa tới người dân trở nên khó khăn hơn rất nhiều” - phó giám đốc Sở Công Thương bày tỏ.

Người dân TP.HCM dù có phiếu đi chợ cũng mất hàng tiếng đồng hồ ngồi chờ để mua thực phẩm. Ảnh: THU HÀ

Trước thực tế trên, Sở Công Thương đã có một số đề xuất và được UBND TP.HCM chấp thuận, chỉ đạo triển khai. Đó là các quận, huyện cần mở lại các điểm cung cấp lương thực, thực phẩm tươi sống thiết yếu ở các chợ truyền thống đang ngừng hoạt động. Phương án này cần được đảm bảo tối đa việc an toàn trong mùa dịch COVID-19.

Sở cũng đề nghị các bên liên quan trong trường hợp chợ không tổ chức lại được thì phải bổ sung các điểm bán hàng trong địa bàn quận, huyện; tìm những khu vực trống kẻ ô cho người dân, tiểu thương bán, giới hạn 3-6 người...

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương thông tin thêm: Hiện tại, một số hệ thống phân phối đang áp dụng phương thức vận chuyển hàng hóa bổ sung bằng xe hai bánh trong bối cảnh đang kiểm soát chặt việc đi lại giữa các quận, huyện nên khó bổ sung nguồn hàng kịp thời.

“Vì vậy, sở đề nghị các quận, huyện hỗ trợ bằng cách tích cực chủ động sử dụng các phương tiện của mình nhận hàng từ các điểm cung ứng hàng hóa. Sau đó đưa về cho các hệ thống phân phối cung cấp cho người dân càng sớm càng tốt” - ông Phương nói.

Thiếu hành lá nên ảnh hưởng đến sản xuất mì gói 

Tại chương trình Cà phê doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa tổ chức, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết đến nay, nhiều công ty sản xuất trong ngành vẫn giữ vững sản xuất. Chẳng hạn, các công ty mì ăn liền của TP.HCM và của hội cung ứng 6 tỉ gói mì ăn liền mỗi năm cho cả nước đến giờ này vẫn giữ được sản xuất.

Tuy nhiên, một số công ty thực phẩm áp dụng mô hình “ba tại chỗ” chỉ có thể sử dụng 50%-60% lực lượng lao động nên không có đủ công nhân sản xuất, dẫn đến hàng hóa bị thiếu. Bên cạnh đó, tất cả nguồn nguyên vật liệu chế biến lương thực, thực phẩm đều từ các tỉnh đưa về TP.HCM lại bị ách tắc nên bắt đầu có tình trạng thiếu mì gói.

“Nguyên cánh đồng hành lá của Bà Rịa- Vũng Tàu, trước đây đến ngày thu hoạch, thương lái đến mua chất lên xe đưa lên nhà máy ở TP.HCM. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, thương lái không thuê xe vận chuyển được, họ không đi nữa coi như đứt hàng. Mà nhà sản xuất chỉ cần đứt mặt hàng hành lá thì tất cả gói nêm mì ăn liền thiếu hành nên đâu có sản xuất được. Ngành thực phẩm đóng cửa sản xuất thì lấy đâu lương thực cung ứng cho xã hội” - bà Chi nói.

Từ thực tế trên, lãnh đạo HUBA kiến nghị TP đề nghị Bộ NN&PTNT kết nối với các tỉnh, thành. Đặc biệt cần lập tổ công tác liên tỉnh cùng với đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, đảm bảo lưu thông thuận lợi.

TÚ UYÊN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm