Thị trường Việt thiếu “người gác cửa”

Hầu hết hàng Việt xuất sang các nước ASEAN, Trung Quốc thường rất khó khăn, bởi phải đáp ứng đầy đủ bộ quy chuẩn của nước họ. Trong khi đó, Việt Nam chưa hề có bộ quy chuẩn quốc gia nào để bảo vệ hàng hóa của mình cho nên hàng từ ASEAN, Trung Quốc mới dễ tràn vào.

“Việt Nam có mặt hàng nào thì các nước ASEAN, Trung Quốc cũng có. Thậm chí hàng của họ “mạnh” hơn nhờ giá rẻ hơn. Mặt hàng nông sản, thủy hải sản còn có khả năng cạnh tranh chứ như đồ gỗ, cao su, nhựa, thép, dệt may… thì rất khó. Nếu không có bước chuẩn bị nào cho 2015 ngay từ bây giờ thì nguy cơ mất thị trường, DN phá sản là rất cao” - bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định.

Cái chết được báo trước?

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP.HCM, nêu một ví dụ nghịch lý: Các sản phẩm cao su, săm lốp xe thương hiệu Casumina, DRC... của Việt Nam đạt chất lượng cao lại không thể cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp từ Thái Lan, Trung Quốc hay Indonesia. “Cao su, săm lốp xe Việt Nam xuất khẩu phải đối mặt với nhiều quy chuẩn kỹ thuật của các nước. Điều này khiến DN mất cả thời gian lẫn chi phí vì mỗi mẫu thử phải trả cho cơ quan kiểm định nước nhập khẩu vài ngàn USD. Một sản phẩm phải đáp ứng đủ 10 quy cách, 10 mẫu thử tốn thêm vài trăm ngàn USD. Sau đó, DN phải chờ mấy tháng mới có kết quả” - ông Quốc Anh chia sẻ.

Thị trường Việt thiếu “người gác cửa” ảnh 1

Nếu có bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các sản phẩm cao su, săm lốp xe thương hiệu Casumina không phải bị lép vế với sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp từ Thái Lan, Trung Quốc hay Indonesia. Ảnh: HTD

Theo ông, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN chưa có bộ quy chuẩn quốc gia đối với mặt hàng cao su, săm lốp xe. “Bộ quy chuẩn quốc gia chỉ cần tương thích với tiêu chuẩn thế giới để loại bỏ những DN nước ngoài bán hàng kém chất lượng, giá rẻ vào thị trường. DN Việt không sợ cạnh tranh với DN nước ngoài về chất lượng sản phẩm mà chỉ sợ DN xấu, chỉ muốn bán phá giá” - ông khẳng định.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết hiện thép cuộn Trung Quốc nhập vào Việt Nam chịu mức thuế 10% nhưng nếu pha hợp kim B (hàm lượng thấp 0,008%, giá rất rẻ) sẽ chuyển thành thép hợp kim chịu thuế suất 0%. Bằng biện pháp này, Trung Quốc đã đưa hợp kim B vi lượng vào hầu hết sản phẩm thép xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á như thép tấm, thép cuộn cán nóng, cán nguội, thép xây dựng, thép hình… Điều đó lý giải vì sao khi thép cuộn chứa hợp kim B vào được Việt Nam mặc nhiên có giá rẻ hơn so với thép cuộn nguyên chất sản xuất trong nước tới 2 triệu đồng/tấn. “Vì vậy, nếu có bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ loại bỏ được thép “bẩn” lọt vào thị trường, từ đó giải quyết bài toán hàng tồn kho cho DN không chỉ ngành thép mà cả ngành cao su, nhựa, đồ gỗ, vật liệu xây dựng…” - ông Cường nhận định.

“Chúng ta mở cửa thị trường thì phải có “người gác cửa” chứ không thể kiểu thả cửa tự do. Nếu không có bộ quy chuẩn hàng hóa riêng của quốc gia thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của DN, DN nước ngoài sẽ nắm thị trường. Điều này có thấy sự sơ hở trong khâu quản lý, bộ quy chuẩn thiếu ở tất cả các ngành, bỏ trống việc này sẽ giết chết DN trong nước” - ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, góp thêm ý kiến.

Đừng đợi nước đến chân mới nhảy!

Sớm nhận thấy hậu quả nhãn tiền, các DN gỗ đã kiến nghị với Bộ Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM về việc xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm gỗ quốc gia. Tuy nhiên, “cho đến nay chúng tôi chưa thấy “ông” nào phản hồi!” - ông Huỳnh Văn Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ gỗ Liên Minh, bức xúc.

Pháp Luật TP.HCM đã đưa ý kiến của DN đến trao đổi với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, trả lời: “Chúng ta đang quản lý theo dạng DN tự công bố tiêu chuẩn đăng ký rồi Sở và Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc thực hiện có đúng như công bố hay không. Tất cả hàng hóa nhập khẩu được chia về cho các bộ quản lý, kiểm tra. Cụ thể, hàng dược phẩm, thực phẩm… giao Bộ Y tế; cao su, săm lốp, nhựa… giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ; rồi Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT quản lý một số mặt hàng khác. Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành”.

Riêng đối với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, ông cho biết: “Sở đã nhận được rất nhiều kiến nghị của DN ngành hàng về việc lập bộ quy chuẩn quốc gia. Sở đang xây dựng thí điểm bộ quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa cấp thành phố đối với một số sản phẩm và sẽ bắt đầu triển khai vào năm 2013, trước mắt là đối với mặt hàng trái cây”.

Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương cho biết Bộ sẽ là đầu mối thu nhận kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội, ngành hàng xuất khẩu về việc lập bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, sau đó sẽ tiến hành thống kê các mặt hàng cần lập bộ quy chuẩn, xem xét ngành hàng trong nước yếu cần quy chuẩn kỹ thuật để bảo vệ. Vụ Xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá về việc này.

Tuy nhiên, một vị chuyên gia cho rằng: “Nếu lập bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các mặt hàng xuất - nhập khẩu thì cần làm cho ra trò, đừng để làm ra không ai dùng được. Theo chuẩn quốc tế nhưng chuẩn cao quá thì DN Việt Nam có làm nổi không? Rồi công nghệ kiểm định quy chuẩn nữa, cần phải đi học nước bạn ngay. Chứ như trường hợp ta có hẳn Luật An toàn vệ sinh thực phẩm vậy mà gà thải loại, mì gói Hàn Quốc, trái cây Trung Quốc vẫn lọt vào dễ dàng”.

Lộ trình ASEAN+1

Mục đích của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) tạo ra khu vực thương mại tự do, không thuế quan giữa các nước thành viên tham gia (bắt đầu thực thi từ năm 2005). Năm 2010, 90% dòng thuế của Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Brunei đã giảm xuống mức 0%-5% mà chủ yếu là 0%.

Việt Nam cũng bắt đầu cắt giảm một số dòng thuế từ năm 2010 để đến năm 2015 thì cắt giảm 90% dòng thuế như sáu quốc gia kia. Có hơn 8.000 dòng thuế phải cắt giảm. Một số nhóm mặt hàng cần bảo hộ nhất đã được đưa vào nhóm “nhạy cảm”, chỉ giảm thuế đến mức 50%. Với nhóm này, lộ trình cắt giảm thuế chậm hơn, đến năm 2015 mức thuế mới xuống khoảng 20% và tiếp tục giảm xuống 5% vào năm 2020.

Nguồn:Bộ Công Thương

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm