Thị trường sẽ có những phản ứng tích cực

Trong số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về nguyên nhân của lạm phát và các giải pháp đẩy lùi, trong đó có giải pháp thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với tiến sĩ Lê Thẩm Dương (ảnh) - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM xung quanh vấn đề này.

Đồng bộ và rất chặt chẽ

Theo tiến sĩ Dương, những giải pháp này đã khắc phục được những hạn chế của gói giải pháp vừa thiếu đồng bộ vừa không đúng hướng trước đây. Chắc chắn trong thời gian tới thị trường sẽ phản ứng tích cực

. Thưa ông, ông có thể đánh giá chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ có tác dụng làm giảm lạm phát thế nào?

Thị trường sẽ có những phản ứng tích cực ảnh 1+ Trong lạm phát thì có lạm phát tiền, lạm phát giá cả hàng hóa và lạm phát chi phí... Thủ tướng đã đặt trọng tâm là chống lạm phát tiền tệ. Việc Thủ tướng phải thay đổi hai chỉ tiêu quan trọng là lạm phát và tăng trưởng cũng rất hợp lý. Chúng ta không thể vừa có tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát thấp được mà phải chấp nhận hai chỉ tiêu này ở một mức độ hợp lý.

Giải pháp kéo tiền khỏi lưu thông sẽ làm cho lượng tiền giảm đi, ảnh hưởng đến sản xuất hàng hóa. Trong khi huy động trên thị trường chứng khoán không còn thuận lợi như trước sẽ làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, sẽ làm cho lợi nhuận giảm. Vì vậy, Thủ tướng đã hướng đến hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp hơn kế hoạch nhưng khâu thực hiện kéo tiền về ở mức độ nào cần phải linh hoạt và hợp lý. Trong thời điểm hiện nay, việc cần làm gấp là phải rút gấp hơn 52.000 tỷ đồng đang để ở các ngân hàng quốc doanh về nhập kho Ngân hàng nhà nước. Việc rút hết số tiền này sẽ làm cho các ngân hàng kể trên gặp khó khăn nhưng vẫn phải làm. Các ngân hàng này đã được hưởng ưu ái trong nhiều năm rồi nên khẩn trương trả nợ gấp để chia sẻ khó khăn chung với cả nước.

. Còn việc thắt chặt tín dụng thì có thể thực hiện bằng cách nào thưa ông?

+ Có hai cách là tăng dự trữ bắt buộc và hạ tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống thấp. Năm trước, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thương mại lên tới 80% thì năm nay quy định giảm về mức 30%. Điều này sẽ hạn chế ngân hàng thương mại tung tiền ra kinh doanh tín dụng. Việc quy định mức trần tăng trưởng tín dụng 30% cũng sẽ gây ra khó khăn nhất định cho các ngân hàng thương mại nhưng họ cần chấp nhận. Các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn thật sự do dư nợ tín dụng cho vay đã bị khống chế.

Tuy nhiên, trong điều kiện Chính phủ và cả nước đang quyết tâm thực hiện chống lạm phát thì ngành ngân hàng cũng phải hy sinh lợi nhuận của mình một phần. Bởi vì khống chế mức trần tăng trưởng tín dụng sẽ giúp kiềm chế lạm phát rất tốt. Biện pháp này đã làm cho tiền bút danh (tiền ghi sổ) ở các ngân hàng giảm xuống. Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước còn thực hiện tăng dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng thương mại lên 11% biện pháp này cũng góp phần hạn chế được nguồn cung tiền ra thị trường. Chẳng hạn, dự trữ bắt buộc của một ngân hàng thương mại là 10% thì chỉ cần 1.000 đồng ngân hàng đó cho vay ra thị trường sẽ sinh ra 10.000 đồng. Nếu tăng dự trữ bắt buộc lên 20% thì qua nhiều vòng quay, số tiền 1.000 đồng chỉ còn sinh lời 5.000 đồng.

Hơn nữa, quy định mức trần lãi suất còn tạo áp lực cho ngân hàng phải năng động tìm kiếm nguồn đầu tư và kinh doanh dịch vụ sinh ra hàng hóa. Nguồn tiền tài trợ cho vay tín dụng sẽ được thay thế bằng đầu tư vào sản xuất ra hàng hóa, cân đối tiền-hàng, giúp lạm phát hạ nhiệt. Có thể trong thời gian tới, Chính phủ sẽ còn nâng dự trữ bắt buộc lên và hạ trần tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống thấp. Mức trần tăng trưởng tín dụng sẽ hạ từ 30%/năm xuống còn 20% cũng được.

Thử sức ngân hàng thương mại

. Ông có thể giải thích việc quy định mức trần tín dụng ngân hàng thương mại ảnh hưởng thế nào?

+ Có thể nhận thấy Ngân hàng nhà nước mới chỉ bóp tốc độ tăng trưởng tín dụng về con số 30% đã làm các ngân hàng thương mại kêu trời. Qua đây cho thấy hệ thống ngân hàng thương mại của ta đã bộc lộ nhiều yếu kém khi vẫn còn dựa quá nhiều vào kinh doanh tín dụng. Có thể nói tổng lợi nhuận của các ngân hàng thu về từ kinh doanh tín dụng còn chiếm tới 90%/tổng lợi nhuận. Trong khi lợi nhuận kinh doanh tín dụng của các ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại 60% có được từ kinh doanh dịch vụ và đầu tư. Trong nước mới chỉ có Ngân hàng ACB là đạt chuẩn. ACB đã không phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng mà chủ động tìm lợi nhuận từ kinh doanh nhà, đất, ngoại tệ, chứng khoán... Riêng sàn giao dịch vàng Sài Gòn năm qua, ACB cũng đã thắng lớn.

Chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ không chỉ có tác dụng chống lạm phát mà còn giúp hệ thống ngân hàng thích nghi tốt hơn với những biến động của thị trường tài chính. Đây cũng là một áp lực buộc hệ thống ngân hàng phải đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí nếu không muốn phá sản. Cũng với chính sách này, những ban ngành đang đua nhau thành lập ngân hàng sẽ phải tỉnh ngộ.

Thị trường sẽ có những phản ứng tích cực ảnh 2Ông Dominic Scriven, Giám đốc Tập đoàn Dragon Capital:

Giải dư nợ tín dụng là giải pháp cần làm ngay

Tôi cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ là rất đúng đắn. Nhiều nước trên thế giới khác cũng làm vậy khi có lạm phát xảy ra. Trong nền kinh tế thị trường với quy luật cung cầu thì cầu là một yếu tố căn bản và do con người tạo ra. Hiện nay cầu được kích lên bởi nền kinh tế Mỹ cũng như các chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Mỹ (FED). Cầu chủ yếu do tính thanh khoản từ các khoản tín dụng, như một ngân hàng cho vay 20% thì không ai vay nhưng cho vay 2% thì nhiều người sẽ vay và từ đây tạo ra cầu. Ở Việt Nam cũng vậy, trong thời gian qua dư nợ tín dụng ngân hàng tăng lên quá nhanh, do vậy dẫn đến lạm phát. Vì thế việc giảm dư nợ tín dụng là giải pháp cơ bản mà Chính phủ cần làm mạnh hơn nữa.

Đọc bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó xác định không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng đã đặt ra từ cuối năm 2007 mà phải tập trung kiềm chế lạm phát tôi cho là rất hay. Điều này cho thấy cái tầm của Chính phủ trong điều hành một nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực.

BÙI NHƠN

VŨ HƯNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm