'Thị trường nhà đất sẽ rúng động nếu dừng 60 dự án'

Sau khi Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra và tạm dừng 60 dự án đất vàng,  những người đã mua hoặc đặt cọc mua nhà, căn hộ như ngồi trên đống lửa. Nhiều người cho biết đang rất lo lắng không biết có bị thu hồi lại căn hộ, trả thêm tiền… hay không.

Trong vai một người mua nhà tại dự án nằm trên đường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP.HCM tỏ vẻ lo lắng về tiến độ thi công của công trình sẽ ra sao khi mà dự án này có tên trong danh sách đề nghị thanh tra của Bộ Tài chính, nhân viên môi giới cho hay: “Anh chị không phải lo, đã có văn bản trả lời của Bộ Tài chính về vấn đề này và xem danh sách này chỉ là để tham khảo mà thôi. Như chị nhìn thấy đấy, thực tế các dự án mà chúng tôi đang triển khai vẫn hoạt động bình thường”.

Khi hỏi anh Phạm Hải - nhà đầu tư đang dẫn khách mua đến xem căn hộ mà anh muốn chuyển nhượng cho biết: Sau khi có thông tin chủ đầu tư nằm trong danh sách có thể bị tiến hành thanh tra thì lượng khách hàng gọi điện thoại đến thỏa thuận giao dịch hoặc đề nghị dẫn đi xem nhà giảm hẳn. Có người đã đặt cọc thì bàn bạc thương lượng để xin lại một phần tiền cọc”.

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp cho hay: "Nếu 60 dự án này bị dừng thi công thì sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản nói chung cũng như tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Bởi lẽ các thủ tục cấp phép mở bán dự án cũng được ngành xây dựng TP chấp thuận và giờ cũng đã bán hết cho khách hàng. Do đó, nếu đình chỉ dự án thì người chịu ảnh hưởng trực tiếp lại là người tiêu dùng.

Chính vì thế, các bộ, ngành liên quan cứ tiến hành thanh tra, kiểm tra…, nếu phát hiện doanh nghiệp nào chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất mà không qua đấu giá thì sau khi có kết luận chính thức sẽ thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết: “Đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này là bên ngay tình, không có lỗi nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có)”.

Do đó, ông Châu kiến nghị Thủ tướng vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi có kết luận thanh tra.

“Việc này nhằm mục đích hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án” - ông Châu nhấn mạnh.

Luật sư Huỳnh Trung Hiếu (Công ty luật Hasslaws) cho rằng: “Việc thanh tra, kiểm tra là hoạt động bình thường của các cơ quan chức năng nhưng phải tính đến quyền lợi của người mua nhà kể cả trong trường hợp chủ đầu tư sai phạm. Nói rõ hơn nếu để xảy ra sai phạm trong việc thực hiện thẩm quyền giao sử dụng đất mà không qua đấu giá thì đây là trách nhiệm của chủ đầu tư. Còn về phía người mua nhà chỉ thực hiện nghĩa vụ với chủ đầu tư trên các quy định của hợp đồng.

Trong trường hợp chủ đầu tư có sai phạm, người mua hoàn toàn có các quyền về pháp lý và tố tụng để giải quyết các quyền lợi của các bên liên quan. Do đó, người mua nhà cũng không cần phải quá lo lắng trước những thông tin về việc dự án mà họ mua có thể bị thanh tra”. 

Trước đó, trong kiến nghị gửi tới Chính phủ về thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, Bộ Tài chính đưa ra 60 trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn từ tháng 7-2014 đến tháng 11-2016. 

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính và ý kiến của các bộ Tư pháp, Xây dựng, TN&MT, Thanh tra Chính phủ về việc quản lý sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến: Bộ Tài chính chuyển danh sách gồm 60 các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017.

Điều đó cũng đồng nghĩa không phải toàn bộ 60 dự án này đều nằm trong danh sách bị thanh tra.

Trong 60 dự án bị đề nghị thanh tra đất đai theo kế hoạch năm 2017, có 11 dự án tại TP.HCM: 

1. Dự án Riva Park (Vietcomreal làm chủ đầu tư) tại 504 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4. Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Tiến Phát là đơn vị hợp tác đầu tư.

2. Chung cư thương mại tại 38 Kim Biên, phường 13, quận 5 do Công ty Phát triển địa ốc Sài Gòn 5 làm chủ đầu tư.

3. Cao ốc Res 11 (Công ty Cổ phần Địa ốc 11 làm chủ đầu tư) tại 205 Lạc Long Quân, phường 3, quận 11.

4. Dự án tại 128 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận.

5. Cao ốc thương mại dịch vụ kết hợp căn hộ chung cư (Tổng Công ty Bến Thành TNHH MTV làm chủ đầu tư) tại 104 Nguyễn Văn Cừ, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1.

6. Dự án M - One (Công ty CP Đầu tư Thảo Điền làm chủ đầu tư) tại 35/12 Bế Văn Cấm, phường Tân Kiểng, quận 7.

7. Dự án khu căn hộ - trung tâm thương mại Đông Dương (do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Dương làm chủ đầu tư) tại 334 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10.

8. Dự án tại số 8 Hoàng Minh Giám, phường 9, quận Phú Nhuận.

9. Dự án tại 119 Phổ Quang, phường 9, quận Phú Nhuận.

10. Dự án tại 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1.

11. Dự án nhà ở xã hội khu căn hộ CC1 (Tổng Công ty Xây dựng số 1 - TNHH MTV làm chủ đầu tư) tại phường 6, quận Gò Vấp.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.