Thêm 2 công ty gas 'chết tức tưởi' vì... chính sách

Cách đây hai ngày, tức ngày 15-5, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đã gửi công văn cho hai doanh nghiệp kinh doanh gas để yêu cầu họ phải dừng mọi hoạt động vì đã hết thời hạn chuyển tiếp của Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí gas.

Đó là Công ty TNHH Gas Cường Thắng và Công ty TNHH Thương mại Dầu khí An Bình.

Theo công văn do Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái Trương Ngọc Biên ký thì căn cứ Nghị định 19/2016 và Thông tư số 03/2016 của bộ trưởng Bộ Công Thương, sở này đã thông báo cho các doanh nghiệp kinh doanh gas chỉ được hoạt động đến hết ngày 15-5-2018.

Đến nay các doanh nghiệp này chưa nộp hồ sơ, tài liệu chứng minh là đơn vị thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh đầu mối như quy định tại Nghị định 19/2016 để được Sở Công Thương thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng vào chai theo quy định.

Công văn của Sở Công Thương tỉnh Yên Bái yêu cầu hai doanh nghiệp dừng hoạt động. 

Vì vậy, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái yêu cầu hai doanh nghiệp trên “dừng ngay mọi hoạt động liên quan đến chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng vào chai tại trạm nạp của đơn vị” từ ngày 16-5-2018. Đồng thời, sở này cũng yêu cầu hai doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, tài liệu gửi về Sở Công Thương để thẩm định trước khi cấp giấy chứng nhận dù điều kiện chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng vào chai theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sở Công Thương tỉnh Yên Bái yêu cầu hai doanh nghiệp này “nghiêm túc triển khai thực hiện”.

Trước đó, ngày 14-5, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên cũng yêu cầu một doanh nghiệp kinh doanh gas dừng hoạt động vì thời hạn chuyển tiếp của Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí đã hết.

Suốt hai năm qua, các doanh nghiệp gas và Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan khác đã tích cực thảo luận về những quy định bất cập, phi thị trường trong Nghị định 19/2016.

Chẳng hạn quy định “thương nhân phân phối khí phải có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3” và số lượng bình gas đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu trên 2,6 triệu lít, tương đương khoảng 50.000 bình gas.

Hai năm qua là thời gian mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh gas luôn lo lắng cho số phận của mình. Theo họ, các hãng gas lớn đang đi mua lại cơ sở của họ với giá chỉ bằng 1/3 vốn đầu tư mà họ đã bỏ ra.

Sau hai năm thảo luận, Bộ Công Thương đã trình dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016 và được 100% thành viên Chính phủ đồng ý thông qua. Tuy vậy, đến nay nghị định đó chưa được ban hành trong khi theo Nghị định 19/2016, thời điểm 15-5-2018 các loại giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gas tự động hết hạn.

“Chúng tôi buộc phải ngừng hoạt động, đóng cửa,… công nhân lao động mất việc làm, ngân hàng không thu hồi được vốn, doanh nghiệp lo phá sản. Chúng tôi thực sự chết vì chính sách” - một doanh nghiệp gas nói với Pháp Luật TP.HCM.

Doanh nghiệp này cũng cho rằng: Trong hai năm qua, mọi ý kiến vướng mắc của các doanh nghiệp gas đã được Thứ trưởng Trần Quốc Khánh giải đáp thỏa đáng và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19/2016 đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí rất cao của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh gas.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm