Thấy gì về minh bạch thông tin?

Nhà đầu tư không nắm được thông tin

Nhà đầu tư cần được cung cấp thông tin minh bạch của các công ty niêm yết. Ảnh: Mai Phương
Nhà đầu tư cần được cung cấp thông tin minh bạch của các công ty niêm yết. Ảnh: Mai Phương

Hầu hết các nhà đầu tư đều cảm thấy bất ngờ trước sự kiện Hose thông báo tạm ngưng giao dịch đối với CP BBT kể từ phiên giao dịch ngày 11.7 do hoạt động thua lỗ trong 2 năm liên tiếp (2006 - 2007), bởi họ gần như không có thông tin gì về BBT.

Thậm chí, tại phiên giao dịch ngày 10.7, BBT vẫn tăng từ 8.600 đồng/CP lên 8.800 đồng/CP. Những phiên giao dịch trước đó, khối lượng giao dịch CP BBT cũng khá lớn. Trong phiên ngày 9.7 có trên 23.300 CP BBT được giao dịch; phiên ngày 8.7, khối lượng giao dịch CP này lên tới gần 57.000 CP BBT với giá trị giao dịch khoảng 460 triệu đồng.

Một nhà đầu tư mới mua vào CP BBT bức xúc cho biết, anh không hề biết thông báo chính thức nào về tình trạng báo động của CP này nên khi thấy giá CP BBT quá rẻ đã mua vào để chờ thời. Nhưng thời chưa thấy đâu chỉ thấy số tiền đổ vào CP này đứng trước tình trạng chôn vốn dài lâu. Tâm trạng ấm ức này xảy ra ở rất nhiều nhà đầu tư sở hữu CP BBT trong thời gian qua. Một số người bực bội, tiếc rẻ vì không nắm được thông tin để "chạy" trước khi mọi việc được công bố rộng rãi.

Có thể thấy, bức xúc nhất của các nhà đầu tư về vấn đề BBT không phải là việc chôn vốn hay thua lỗ. Bởi việc này không còn là ngoại lệ của BBT. Vấn đề nhà đầu tư quan tâm và bức xúc hơn cả chính là vấn đề minh bạch trong việc công bố thông tin. Nếu các công ty niêm yết tuân thủ đúng những quy định về việc công bố thông tin thì nhà đầu tư đã có kế hoạch đầu tư phù hợp hơn chứ không thể có tình trạng "hôm trước tăng giá, hôm sau treo giò" như trường hợp của BBT.

Ông Lê Đạt Chí, chuyên gia nghiên cứu chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, việc Hose công bố tạm ngưng giao dịch đối với CP BBT là hơi đột ngột vì theo nguyên tắc, trước khi tạm ngưng hay chấm dứt giao dịch thì công ty đó phải có dấu hiệu gì đó không minh bạch, những thông tin đó phải được công bố đầy đủ cho nhà đầu tư, sau đó mới đến hành động tạm ngưng giao dịch CP. "Trong trường hợp của BBT, bản thân công ty đã chậm trễ nộp báo cáo tài chính nhưng không có một thông tin nào về việc này. Rồi đột ngột có quyết định tạm ngưng giao dịch khiến nhà đầu tư cảm thấy hoang mang" - ông Chí nói.

Cần minh bạch và chính xác

Nhận xét về chất lượng kiểm toán qua sự kiện BBT, một chuyên gia chứng khoán khác cho rằng, có một "mục" rất quan trọng nhưng thường được bỏ qua trong kiểm toán các báo cáo tài chính là mục "các khoản phải thu khác". Chuyên gia này phân tích, "khác" ở đây là không rõ nguyên nhân, không biết thu của ai. Mục "khác" này cứ tồn tại năm này qua năm khác trong báo cáo tài chính của hầu hết các doanh nghiệp và thường được kiểm toán bỏ qua. "Nếu như các các khoản phải trả khác bỏ qua là chiếm dụng được thì các khoản phải thu khác bị bỏ qua chính là phần bị mất đi của doanh nghiệp. Kiểm toán phải giải thích được các khoản này thì mới có được một báo cáo tài chính đầy đủ, chân thực" - chuyên gia này nói. Nhận xét về vai trò của ban kiểm soát của các công ty, ông Lê Đạt Chí cho rằng, ban này khó có thể làm hết trách nhiệm, họ được các cổ đông lớn bầu lên nên không thể làm gắt gao về những nghi vấn trong nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty.

Khi nào BBT được giao dịch trở lại không phải là vấn đề quan trọng nhất đối với nhà đầu tư. Điều mà họ chờ đợi ở BBT và các công ty niêm yết nói chung là sự minh bạch, chính xác về thông tin. Để làm được điều này, vai trò của các cấp có thẩm quyền rất quan trọng. Đây cũng là đòi hỏi chính đáng để nhà đầu tư có thể tin tưởng và đưa ra quyết định đầu tư phù hợp với tiêu chí của mình.

Nguyên Hằng (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm