Tấp nập đi chợ hộ mua mắm, muối...trong giãn cách

Lượng đơn hàng đi chợ hộ tăng cao

Trao đổi với PLO, đại diện ứng dụng Be cho biết, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Be ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục với dịch vụ đi chợ hộ. Cụ thể, dịch vụ đi chợ hộ trong quý II tăng trưởng gấp đôi so với quý trước.

"Riêng vào đầu tuần này, nhu cầu đi chợ hộ tăng trưởng đột biến khi nhiều người dân lo lắng tình trạng thiếu hàng hóa, thực phẩm. Đơn cử chỉ trong hai ngày 6-7 và 7-7, dịch vụ này đã tăng trưởng gấp 200% so với tuần trước" - đại diện Be chia sẻ.

Dịch vụ đi chợ hộ tăng cao, nhất là sau khi thành phố TP.HCM áp dụng chỉ thị 16. Ảnh:T.H

Điều này cũng được phía ứng dụng Grab ghi nhận. Hệ thống này thống kê những ngày qua số lượng đơn hàng GrabFood, GrabMart tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là tại TP.HCM. 

"Đội ngũ đối tác tài xế cũng tích cực hoạt động để đảm bảo nhu cầu giao nhận hàng hoá thiết yếu cho người dân" - vị này cho biết.

Còn theo Baemin, số lượng đơn hàng của dịch vụ đi chợ hộ cũng ghi nhận mức tăng trưởng trong đợt giãn cách, song không đột biến bởi các siêu thị, cửa hàng đa phần bị quá tải.

Theo đó, người dân đã có xu hướng dịch chuyển dần sang các nguyên liệu nấu nướng như gia vị mắm, muối, dầu ăn...

Không nằm ngoài cuộc đua, Công ty CP Foody (sở hữu ứng dụng Now) cho biết sau khi chính thức ngưng dịch vụ NowFood (giao đồ ăn) tại TP HCM trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9-7, doanh nghiệp vẫn tiếp tục và đẩy mạnh việc cung cấp hai dịch vụ NowFresh (đi chợ) và NowShip (giao hàng hóa thiết yếu...)

Bảo đảm an toàn cho người giao hàng

Cùng với việc đẩy mạnh nhân lực đáp ứng nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng, các doanh nghiệp đều kích hoạt các phương án bảo vệ sức khỏe của tài xế giao hàng (shipper) và cả người dùng dịch vụ.

Trên thực tế, khi nhu cầu giao hàng và đồ ăn tăng vọt trong thời kỳ dịch COVID-19, gánh nặng đè lên các tài xế bởi họ phải tăng cường thời gian làm việc và chịu nhiều rủi ro lây nhiễm COVID-19.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Hoa Kỳ đã nhận định rằng các nhân viên giao hàng và thực phẩm đang đứng trước nguy cơ lây nhiễm virus tiềm ẩn.

CDC Hoa Kỳ cũng đưa ra các khuyến cáo cho tài xế nên ở nhà nếu bị ốm, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, tránh chạm tay vào mắt, mũi hay miệng, rửa tay đúng cách và mang theo khăn hoặc nước khử trùng.

Các shipper phải đối mặt với nhiều mối nguy lây nhiễm COVID-19 nên cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn của Bộ Y tế hướng dẫn. 

Đại diện Grab cho biết, nhằm đảm bảo an toàn cho đội ngũ đối tác tài xế của mình, doanh nghiệp này đã cung cấp khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn cho shipper.

Đồng thời, đưa ra các yêu cầu bắt buộc đối với tài xế trong việc khai báo y tế, khử khuẩn, đeo khẩu trang trong suốt quá trình hoạt động. Grab khuyến khích người tiêu dùng và shipper lựa chọn hình thức giao hàng không tiếp xúc, đảm bảo khoảng cách 2m khi giao hàng và tăng cường thanh toán phi tiền mặt để đảm bảo an toàn khi thực hiện giao-nhận hàng hóa.

Đại diện Công ty CP Foody cũng bày tỏ: "Chúng tôi luôn nhắc nhở, khuyến cáo shipper thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh túi giao hàng thường xuyên, thực hiện nghiêm túc 5K, giao hàng không tiếp xúc, khai báo y tế điện tử hằng ngày qua ứng dụng Bluezone và mở ứng dụng thường xuyên khi hoạt động... Đồng thời, khuyến khích người dùng thanh toán online nhằm hạn chế tối đa giao tiếp với nhiều người".

Dịch vụ ‘đi chợ hộ’ - giải pháp tăng doanh thu cho tiểu thương
Dịch vụ ‘đi chợ hộ’ - giải pháp tăng doanh thu cho tiểu thương
(PLO)- Dịch vụ “đi chợ hộ” - GrabMart giúp ích rất nhiều cho người dân, đặc biệt là khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong nước và thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm