Tập đoàn kinh tế: Đã xứng là trụ cột?

Nhiều tập đoàn đang quá "mải mê" đầu tư vào những ngành nghề kinh doanh ngoài lĩnh vực chính.

Nhiều tập đoàn đang quá "mải mê" đầu tư vào những ngành nghề kinh doanh ngoài lĩnh vực chính.

Tuy nhiên, với một lượng vốn “khổng lồ” lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và khối lượng tài nguyên rất lớn do các tập đoàn sở hữu nhưng thực tế cho thấy, hoạt động của các đơn vị này vẫn chưa đáp ứng được những kỳ vọng đặt ra.

Theo con số thống kê của Bộ Tài chính, tổng doanh thu hoạt động sản xuất - kinh doanh của 8 tập đoàn kinh tế năm 2007 đạt khoảng 390.000 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2006. Tổng lợi nhuận đạt khoảng 49 tỷ đồng, bằng 98% năm 2006. Tổng số nộp ngân sách nhà nước đạt gần 93.000 tỷ đồng, bằng 101% năm 2006.

Tổng số vốn đầu tư thực hiện đạt trên 132.000 tỷ đồng, trong đó: vốn vay các tổ chức tín dụng: 74.953 tỷ đồng, chiếm 57% tổng vốn đầu tư; vốn tự có: 46.677 tỷ đồng, chiếm 35% tổng vốn đầu tư; Nguồn vốn khác: 3.281 tỷ đồng, chiếm 8% tổng vốn đầu tư... Tuy nhiên, trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của một số tập đoàn thời gian này, các ngành nghề cốt lõi, truyền thống lại có tỷ lệ khá khiêm tốn.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, hầu hết tập đoàn đều thực hiện mở rộng kinh doanh đa ngành, nghề và phạm vi hoạt động sang các ngành, lĩnh vực khác. Lý do mà nhiều đơn vị đưa ra là nhằm khai thác tối đa những nguồn lực, thế mạnh hiện có, đồng thời san sẻ rủi ro qua nhiều lĩnh vực hoạt động... Mặc dù vậy, thực tế việc đầu tư lấn sân sang một vài lĩnh vực nóng trước đây đã bị nhiều chuyên gia nêu đích danh, đó là một kiểu ăn xổi, không đúng tầm của các đơn vị được cho là xương sống của nền kinh tế.

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp: mặc dù bước đầu đã đạt được một số kết quả, nhưng quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số tập đoàn đã bộc lộ nhiều hạn chế như hầu hết tập đoàn chưa tận dụng được các cơ hội do gia nhập WTO mang lại để thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường quốc tế; chưa phát huy được lợi thế của các doanh nghiệp quy mô lớn; tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với sự đầu tư của Nhà nước, với tiềm năng hiện có; chưa trở thành doanh nghiệp có tính cạnh tranh quốc tế...

“Nhiều dự án đầu tư lớn tại một số tập đoàn kinh tế triển khai chậm gây lãng phí, chưa tập trung sức tìm tòi được nhiều dự án có hiệu quả, tạo sự phát triển đột phá về sản phẩm, công nghệ; công tác nghiên cứu khoa học, đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm mới có hàm lượng chất xám cao còn rất khiêm tốn, chủ yếu đầu tư theo chiều rộng, suất đầu tư cao; do đó năng suất lao động tăng thấp, chủ yếu do tiết kiệm chi phí và yếu tố tăng giá quốc tế...”, bà Lan quan ngại.

Những con số cụ thể cho thấy, hiện nay là các tập đoàn đang quá “mải mê” đầu tư vào những ngành nghề kinh doanh ngoài lĩnh vực chính đã được Nhà nước giao phó với tỷ lệ vốn lên đến hàng chục phần trăm. Điển hình như, Tập đoàn Cao su đầu tư chiếm đến 40% vốn điều lệ của CTCP Chứng khoán Cao su và đầu tư 135,9 tỷ đồng vào 8 công ty kinh doanh bất động sản; Tập đoàn Dầu khí đầu tư chiếm đến 51% vốn điều lệ của CTCP Chứng khoán Dầu khí; Tập đoàn Dệt may đầu tư 17,26% vốn vào Ngân hàng TMCP Nam Việt; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư vào 09 doanh nghiệp ngoài Tập đoàn thuộc các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, chứng khoán, dịch vụ... với tổng mức vốn đã đầu tư là: 716,87 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ đầu tư 1.230 tỷ đồng vào 3 công ty bất động sản…

Trước tình hình này, một chuyên gia tài chính - ngân hàng nêu quan điểm: “Điều lo ngại là nếu các tập đoàn giữ quyền kiểm soát hoặc sở hữu cổ phần chi phối tại một số ngân hàng, sau đó 'ép' ngân hàng tài trợ vốn cho các kế hoạch mở rộng của mình mà bất chấp các quy tắc quản trị ngân hàng thì khả năng đổ vỡ một định chế tài chính dẫn đến nguy cơ đối với toàn một hệ thống tài chính - ngân hàng là rất nhãn tiền”.

Mặt khác, tình hình lạm phát những tháng đầu năm nay là khá nghiêm trọng, nhân dân đang phải thắt lưng buộc bụng, Nhà nước phải chi hàng ngàn tỷ đồng để chống chọi với cơn bão giá nhưng có rất ít tập đoàn kinh tế nhà nước công khai sự chia sẻ những khó khăn này.

Trường hợp như Tập đoàn Dầu khí công bố giữ giá phân đạm để hỗ trợ nông dân thì lại khó thực thi do vướng cơ chế (do công ty thành viên của Tập đoàn là Đạm Phú Mỹ đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần)... “Nhiều tập đoàn kinh tế chưa chứng tỏ mình là những trụ cột chống đỡ nền kinh tế đất nước trong giai đoạn khó khăn này”, vị chuyên gia trên bình luận.

Theo Quỳnh Sơn  (Đầu Tư)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm