Tăng thuế xăng thêm 1.000 đồng/lít: Dân lãnh đủ

Nhiều ý kiến của người dân lẫn doanh nghiệp (DN), chuyên gia đều cho rằng những lý do mà Bộ Tài chính đưa ra khi đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu là không thuyết phục, không hợp lý.

Đề xuất tăng vì xăng dầu thấp hơn nhiều nước

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thuế BVMT, trong đó có việc tăng mạnh thuế với xăng dầu. Mức thuế mới này dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1-7 tới đây.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị tăng kịch khung thuế BVMT với xăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít; tăng thuế với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 500-1.100 đồng/đơn vị tính.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Ví dụ, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng chỉ là 10% và đối với dầu các loại là 0%. Từ đó số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.

Mặt khác, theo Bộ Tài chính, hiện nay giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và châu Á nói chung.

“Bên cạnh đó, xăng dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen... Do vậy cần nâng mức thuế BVMT đối với xăng dầu nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường” - Bộ Tài chính lý giải.

Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được chấp thuận thì từ ngày 1-7-2018, thuế BVMT với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đừng “núp bóng” lý do ngân sách

Phản ứng trước đề xuất tăng thuế BVMT lên kịch khung với xăng dầu của Bộ Tài chính, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN Logistics Việt Nam, phân tích: Hiện nay chi phí vận chuyển tại Việt Nam cao nhất khu vực ASEAN, thậm chí cao hơn nhiều nước trên thế giới.

Thế nên nếu tiếp tục tăng thuế BVMT sẽ khiến giá xăng tăng, đồng nghĩa với chi phí của DN tiếp tục bị đội lên. Bởi hiện nay xăng dầu chiếm tới 40%-45% chi phí của các đơn vị vận tải, chưa kể các chi phí cầu đường cũng đang rất cao.

“Chúng tôi đồng tình với việc tăng thuế BVMT để giúp môi trường sống tốt hơn, bản thân DN cũng được hưởng lợi. Nhưng tăng thuế do nguồn thu ngân sách giảm thì không hợp lý, không thuyết phục. Hơn nữa các nước trên thế giới, trong khu vực đang cắt giảm chi phí logistics, giảm phí cầu đường, tăng chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông. Nếu Việt Nam làm tốt điều này, DN sẽ giảm chi phí, giá thành cạnh tranh, doanh thu tăng, đóng thuế nhiều hơn thì việc tăng thu ngân sách mới thực sự bền vững” - ông Hiệp chia sẻ.

TS Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận định tăng thuế BVMT đối với xăng dầu là hợp lý nếu đưa ra lý do xăng dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocacbon nặng và một số phụ gia. Đây là những chất gây hại đến an toàn, sức khỏe và môi trường.

Tuy nhiên, TS Du phản đối việc Bộ Tài chính đưa ra lý do tăng thuế do thu ngân sách giảm. “Không nên núp bóng thu ngân sách nhà nước để tăng thuế BVMT với xăng dầu. Hơn nữa số tiền thuế môi trường phải được báo cáo cho Quốc hội, sử dụng thuế vào những dự án, mục đích gì, hiệu quả nó như thế nào. Minh bạch quản lý tốt phần chi ngân sách giảm sự lãng phí là biện pháp cân đối tốt ngân sách, chứ không cần tăng thuế” - TS Du nói.

Xăng dầu đang gánh nhiều loại thuế, phí

Hiện một lít xăng đang phải gánh nhiều loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế BVMT, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn.

Hơn nữa, trước đó Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu từ 10% lên 12%, nay lại tăng thuế BVMT sẽ đẩy giá xăng dầu tăng lên. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của người dân lẫn DN.

Tăng thuế với túi nylon

Bộ Tài chính cũng vừa đề xuất tăng thuế BVMT mức kịch khung đối với nylon lên 50.000 đồng/ kg thay vì mức thuế hiện hành là 40.000 đồng/kg. Mức thuế đối với than antraxit dự kiến tăng từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn; than nâu, than mỡ, than đá khác sẽ tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn. 

Ông Tâm Bảo, nhà ở quận 11, TP.HCM tính toán nếu tăng thuế BVMT đối với xăng dầu thì giá xăng dầu tăng theo và người dân lãnh đủ. Ông Bảo cũng đặt vấn đề nhiều con đường xuống cấp, đầy ổ voi, ổ gà và bụi mù; nhiều xe buýt, xe tải hết đát xả khói đen nghịt vẫn lưu thông, kênh rạch ô nhiễm, hôi thối càng nhiều… Vậy tiền thuế BVMT chi vào những việc gì, hiệu quả tới đâu, có chi đúng mục đích không? “Bộ Tài chính không thể so sánh giá xăng dầu của Việt Nam, một nước đang khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ, với nước phải nhập khẩu xăng dầu như Lào, Campuchia” - ông Bảo bức xúc.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cũng cho rằng đứng đằng sau của chuyện tăng thuế môi trường, bên cạnh vì mục đích giải quyết môi trường thì chính là bài toán cân đối thu chi ngân sách nhà nước.

“Nguồn thu từ nhập khẩu giảm vì Việt Nam tham gia vào hội nhập kinh tế toàn cầu, Nhà nước buộc phải tìm nguồn thu khác để thay thế. Tuy nhiên, nên có những giải pháp dài hạn cho việc mất cân đối thu chi ngân sách chứ không chỉ là tăng thuế ngắn hạn” - TS Thành nói.

Ngân sách thêm trên 17.000 tỉ mỗi năm

Bộ Tài chính cho biết với phương án đề xuất điều chỉnh thuế BVMT đã tính toán những tác động tới ngân sách nhà nước. Cụ thể, tổng số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 57.312 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỉ đồng/năm. Trong đó, số thu thuế BVMT đối với xăng dầu dự kiến khoảng 55.591 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 14.863 tỉ đồng/năm.

Đối với túi nylon thuộc diện chịu thuế, số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 67,5 tỉ đồng/năm, tăng 13,5 tỉ đồng/năm.

Cùng với số thu thuế BVMT tăng lên, số thu thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỉ đồng. Khi đó, tổng số thu ngân sách nhà nước dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỉ đồng/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm