Tăng phí ATM: Ngân hàng “bắt chẹt” khách hàng?

Dư luận đang quan tâm đến thông tin Hiệp hội Thẻ Việt Nam đề xuất tăng phí giao dịch ATM nội mạng và tăng phí ngoại mạng từ mức 3.300 đồng lên 5.500 đồng. Câu hỏi đặt ra liệu mức phí đề xuất trên có hợp lý hay không?

ATM chưa mang lợi nhuận cho ngân hàng

Nếu tính thêm lần này thì đây là lần thứ ba việc đề xuất thu phí thẻ ATM của Hiệp hội Thẻ chưa được Ngân hàng Nhà nước thông qua. Tuy nhiên, hiện có tới gần 40 ngân hàng phát hành thẻ kiến nghị tăng phí ATM.

Về vấn đề này, ông Tạ Quang Tiến, một chuyên gia về thẻ ngân hàng, cho rằng cần phải thu phí ATM vì ngân hàng phải bỏ tiền ra để đầu tư máy móc khoảng 400-600 triệu đồng/máy. Ngoài ra, ngân hàng cũng phải có chi phí lắp đặt, bảo trì, an ninh… Tất cả chi phí đó nếu không được bù đắp thì rất khó. “Ngân hàng là doanh nghiệp nên đầu tiên họ phải tính đến lợi nhuận. Nếu không tăng phí thì e rằng dịch vụ này sẽ không thể chất lượng được. Hơn nữa, về lâu dài, theo xu hướng của các nước đi trước, dịch vụ này sẽ phát triển mạnh” - ông Tiến phân tích.

Bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hiệp hội Thẻ, cho biết hầu hết dịch vụ ATM hiện nay chưa mang lại lợi nhuận cho các ngân hàng. “Theo tính toán của Hiệp hội Thẻ, chi phí bình quân mỗi lần rút tiền ở ATM là khoảng 7.000 đồng. Đây mới chỉ tính đến chi phí đầu tư máy, phí bảo trì, lắp đặt, nối mạng… chứ chưa có tiền lương cho nhân viên đi nạp tiền vào máy” - bà Hà nói.

Tăng phí ATM: Ngân hàng “bắt chẹt” khách hàng? ảnh 1

Nhiều ngân hàng trong nước chưa xem ATM là hình thức quảng bá thương hiệu rất hiệu quả. Ảnh: M.THẢO

Bà Hà cũng cho biết các ngân hàng đang tính toán sẽ thu phí giao dịch nội mạng (sử dụng thẻ ATM của chính ngân hàng phát hành - PV) mà hiện hầu như chưa thu để nhằm bù đắp chi phí cho đầu tư của dịch vụ này.

“Dự kiến thời gian tới, các ngân hàng sẽ đồng loạt tính phí cho giao dịch cả nội mạng và ngoại mạng ATM. Để đảm bảo hoạt động này, mức phí sẽ tăng dần chứ không chỉ dừng lại 5.500 đồng/giao dịch như đang xem xét” - bà Hà khẳng định.

Ngân hàng cần cân nhắc thêm

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và tin học ứng dụng, cho biết ở nước ngoài, ngân hàng không thu phí ATM. Tuy nhiên, theo ông Hiển, việc không thu phí này cần nhìn nhận dưới góc độ người sử dụng thẻ.

Thẻ ATM ở nước ngoài chủ yếu dùng cho việc trả tín dụng, thanh toán, chuyển khoản, thanh toán tiền mua hàng… Còn ở Việt Nam thì ngược lại, thẻ ATM phần lớn sử dụng để rút tiền mặt.

Theo ông Hiển, đừng lấy việc tăng phí hay số tiền dư trong tài khoản để phản đối việc tăng phí mà cần xem xét yếu tố tiện ích cho người sử dụng thẻ ATM. “Chúng ta nên xem ATM là ví tiền thông minh và chiếc ví này dùng cho nhiều tiện ích thì lúc đó việc khi sử dụng nó phải mất phí là thỏa đáng” - ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, khi có phản đối thì nên xem việc thu phí ATM có làm tăng lợi nhuận ngân hàng lên không, mặt khác tăng phí thì chất lượng dịch vụ của ATM có tốt không?

“Nhìn nhận thực tế, tôi thấy việc dùng thẻ ATM vào chuyển khoản, mua hàng hiện nay chỉ thuận lợi ở các TP lớn, còn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa thì việc mua hàng, thanh toán qua thẻ chưa được phổ biến. Cái này thì phía ngân hàng cần khắc phục sớm để các tiện ích, dịch vụ từ ATM phổ biến hơn”.

Ông Tạ Quang Tiến, cũng đồng tình quan điểm này khi nhấn mạnh đến việc giao dịch ATM ở các nước không bị mất phí. Nhưng ông Tiến phân tích tại nhiều nước, họ coi ATM là hình thức ngân hàng giữ tiền hộ người dân. Do vậy, tiền để trong thẻ không được tính lãi.

“Ở ta thì dù lãi suất rất thấp nhưng các ngân hàng vẫn trả lãi suất tiền để trong thẻ ATM. Cho nên việc tính phí cũng là hợp lý”.

Về việc tính phí ATM, bà Hà cũng cho hay ở các nước, họ không tính phí vì mục đích sử dụng thẻ của họ là để quảng bá hình ảnh cho ngân hàng. Còn như ở ta, có ngày cao điểm một máy ATM phải nạp tiền đến vài tỉ đồng. Qua việc này để thấy mục đích sử dụng ATM của ta khác các nước.

ATM hết hạn được hoàn số tiền dư

Trong quy định quản lý tài khoản, thường là tuổi thọ của một tài khoản thẻ ATM hiện nay là ba năm. Nếu quá số thời gian này, nhiều ngân hàng coi đó là tài khoản chết dù trong tài khoản vẫn còn số dư. Để tài khoản tiếp tục hoạt động thì chủ thẻ đề nghị ngân hàng kết nối lại. Nhưng nếu không sử dụng tài khoản này nữa thì chủ thẻ có thể ra nơi mở thẻ yêu cầu ngân hàng hoàn lại số dư trong tài khoản.

Ông TẠ QUANG TIẾN, chuyên gia về thẻ ngân hàng

LÊ THANH - BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm