Tăng phí ATM ‘khủng’, khách hàng không chịu thấu

Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) vừa gửi thông báo tới các ngân hàng thương mại (NHTM) về việc bổ sung phí chia sẻ giao dịch rút tiền ATM đối với tổ chức thành viên chỉ tham gia chiều phát hành thẻ.

NAPAS đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông hơn 17.000 máy ATM, 270.000 máy POS, 300 doanh nghiệp thanh toán điện tử trong các lĩnh vực hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch; phục vụ hơn 100 triệu chủ thẻ của 46 NHTM trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. Do vậy, việc tăng phí chia sẻ chắc chắn sẽ tác động đến người dùng cuối cùng là khách hàng.

Phí đã cao còn muốn tăng thêm

Cụ thể theo NAPAS, kể từ ngày 1-8 tới đây, mức phí chia sẻ mà tổ chức chỉ phát hành thẻ (cả thẻ ATM và thẻ tín dụng), không có mạng lưới ATM chấp nhận thanh toán sẽ tăng từ 2.200 đồng/giao dịch lên 8.800 đồng/giao dịch (gồm VAT). Trong khi đó, mức phí chia sẻ giữa các tổ chức thành viên tham gia cả vai trò tổ chức phát hành và tổ chức thanh toán vẫn giữ nguyên như hiện tại.

Như vậy, tới đây các đơn vị, tổ chức chỉ phát hành thẻ mà không đầu tư máy ATM sẽ phải trả phí 8.800 đồng/giao dịch, tăng gấp bốn lần so với mức hiện tại. Theo một số chuyên gia, quy định trên chủ yếu nhằm vào các NH và công ty tài chính không đầu tư máy ATM, kéo theo khách hàng cũng phải gánh chịu.

Chị Thảo (quận 2, TP.HCM) cho biết: Nếu quy định tăng phí giao dịch rút tiền ATM này được áp dụng thì khách hàng xài thẻ tín dụng của các công ty tài chính sẽ lãnh đủ. Bởi rất nhiều công ty tài chính đã và đang bung ra dịch vụ thẻ tín dụng nhưng họ không hề đầu tư lắp đặt cây ATM.

Ví dụ, với thẻ tín dụng của Home Credit, khách hàng có thể rút tiền mặt tại bất kỳ cây ATM nào có biểu tượng VISA. Tương tự, với thẻ tín dụng của FE Credit, khách hàng có thể rút tiền tại cây ATM có biểu tượng MasterCard.

Không đầu tư ATM, đơn vị phát hành thẻ phải trả thêm gấp bốn lần.  Trong ảnh: Khách hàng đang rút tiền tại ATM. Ảnh: TL

Hiện nay giao dịch rút tiền mặt đối với thẻ tín dụng nói chung của các NH và công ty tài chính vốn đã phải gánh rất nhiều loại phí. Đơn cử như phí rút tiền mặt đối với thẻ tín dụng, khách hàng là 1,5%-3% giá trị giao dịch, lãi suất 3%-4%/tháng, phí phạt trễ hạn 0,05%-0,15%/ngày trên số tiền chậm thanh toán; thậm chí có những thẻ tín dụng phí phạt trễ hẹn lên đến 4% trên số tiền chậm thanh toán. Chưa kể các loại phí thường niên, phí phát hành thẻ…

“Với cả một rừng phí như thế mà lại còn tăng tiếp nữa thì không biết người tiêu dùng sẽ phải gánh nhiều loại phí tới mức nào. Làm sao khách hàng chịu thấu!” - chị Thảo than thở.

Anh Tuấn Nghĩa, nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, nhận định: Nếu tăng phí chia sẻ giao dịch rút tiền ATM đối với tổ chức thành viên chỉ tham gia chiều phát hành thẻ lên 8.800 đồng/giao dịch thì khách hàng rút tiền tại cây ATM ngoại mạng (chủ thẻ rút tiền tại máy ATM của NH khác) phải gánh thêm một khoản chi phí khủng. Bởi khi đó các NH, công ty tài chính sẽ tăng tương đương phí giao dịch rút tiền tại cây ATM ngoại mạng khoảng 3-4 lần so với mức phí hiện tại, tức là từ 3.300 đồng/giao dịch lên 9.900-13.200 đồng/giao dịch.

“Khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của những công ty tài chính chỉ phát hành thẻ mà không lắp đặt cây ATM sẽ méo mặt vì phí tăng chóng mặt, hoa mắt. Thêm nữa, liệu khi giao dịch rút tiền ATM tăng gấp bốn lần so với hiện tại, khách hàng có được hưởng chất lượng dịch vụ đẳng cấp bốn sao hay vẫn chất lượng kém như hiện nay?” - anh Nghĩa đặt vấn đề.

Cần sòng phẳng với khách hàng

Lý giải về việc tăng phí chia sẻ giao dịch rút tiền ATM, lãnh đạo NAPAS cho biết: Hiện nay cán cân phát hành, thanh toán thẻ trên thị trường đang có xu hướng mất cân đối khi các NH tập trung vào việc phát hành thẻ mà chưa đầu tư nhiều vào phát triển mạng lưới ATM vì chi phí đầu tư và vận hành cao.

“Do đó, để hài hòa hoạt động giữa tổ chức phát hành và tổ chức thanh toán, tiến tới bù đắp chi phí, tự điều chỉnh và khuyến khích phát triển mạng lưới ATM, NAPAS đã điều chỉnh phí chia sẻ giao dịch rút tiền” - NAPAS nhấn mạnh.

Tổng giám đốc một NH thuộc nhóm bị tăng phí chia sẻ giao dịch rút tiền ATM phân trần: Phí thu từ thẻ ATM hiện nay của các NH không đáng kể và không bù đắp được các chi phí đầu tư thiết bị máy móc, duy trì hệ thống… Trong khi các khoản phí dịch vụ mà NH phải nộp lại cho NAPAS khá cao. Nếu phía NAPAS tăng loại phí trên thì khách hàng cũng chịu thiệt.

“NH không có lãi từ phí thu thẻ ATM. Với hàng loạt chi phí phải tính như chi phí lắp đặt ATM, tồn quỹ trung bình từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng/cây ATM, bảo trì bảo dưỡng, hệ thống điện, khấu hao… Cứ tính đúng, tính đủ mà phí không tăng thì khó có thể đáp ứng được chất lượng dịch vụ như khách hàng mong muốn” - vị lãnh đạo NH trên phân trần.

Tuy nhiên, TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính-NH, nói: NH cũng là doanh nghiệp nên không thể cứ mãi đầu tư mà không có lời được. Nhưng việc tăng thu phí phải hợp lý, có đi kèm với tăng chất lượng dịch vụ và vấn đề an toàn phải được đảm bảo. “Thực tế có những NH hạ tầng đầu tư chưa xứng tầm với chất lượng dịch vụ nhưng vẫn tăng thu phí đối với khách hàng, như vậy là không phù hợp, không sòng phẳng” - ông Minh nhấn mạnh.

Trước vấn đề tăng phí dịch vụ thẻ đang khiến khách hàng bức xúc, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ NH Việt Nam, cho biết: Thường trực hội đã ngồi lại và các NH thành viên thống nhất rằng sẽ chờ sau hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm xem tình hình kinh doanh thế nào, đặc biệt về mảng thẻ, từ đó mới quyết định tăng ra sao, tăng bao nhiêu.

Sẽ tiếp tục tăng vào thời điểm thích hợp

Theo thống kê, chỉ tính riêng các khoản phí bắt buộc, mỗi thẻ ATM của người dân đã phải gánh trên dưới 10 loại phí theo quy định, chưa kể các dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm của mỗi NH. Tuy nhiên, mới đây các NH như Agribank, Vietcombank, VietinBank… thông báo tăng phí rút tiền kéo theo khoảng 38,73 triệu chủ thẻ, tương đương hơn 50% số người dùng chịu ảnh hưởng khiến dư luận phản ứng.

Trao đổi với báo chí mới đây, nhiều NH khẳng định kế hoạch tăng phí rút tiền ATM nội mạng là không thay đổi, tuy nhiên chỉ cân nhắc lại thời điểm phù hợp hơn. Trong khi đó, đại diện NH Nhà nước nêu quan điểm: Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng và cân bằng lợi ích giữa NH và khách hàng. NH tăng phí để có thể tái đầu tư, duy trì dịch vụ tốt nhưng mức phí phải trong mức chấp nhận được của khách hàng, không được vượt khung phí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm