Tăng cước 3G: Chuyện sớm muộn và tất yếu

Trong buổi giao lưu trực tuyến xoay quanh vấn đề tăng cước 3G (truy cập internet bằng thiết bị di động) do Báo điện tử Infonet tổ chức sáng 17.10 tại trụ sở Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT), đại diện Cục Viễn thông và Bộ TT-TT đều cho rằng việc tăng cước là điều hoàn toàn tự nhiên và nằm trong tầm kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Đức Trung- P.Cục Trưởng - Cục Viễn thông, thiết bị viễn thông hầu hết là của nước ngoài, vì vậy chi phí hay giá thành cũng khá tương đương với các nước. Ông cho rằng xét trên toàn dịch vụ viễn thông thì hiện nay 3 doanh nghiệp điều chỉnh giá đợt này đều kinh doanh có lãi mặc dù lợi nhuận năm 2013 dự kiến sẽ giảm so với năm 2012. Tuy nhiên với dịch vụ 3G, doanh nghiệp đang bán dưới giá thành nên việc điều chỉnh tăng cước là việc cần làm.

“Nếu thị trường không có biến động lớn thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng cước như lộ trình đăng ký với Bộ để đảm bảo giá cước không thấp hơn giá thành, bảo đảm thị trường phát triển bền vững”, ông Trung nói

Đại diện cục Viễn Thông cho biết,về phía cơ quan quản lý Nhà nước, việc truyền thông từ phía cơ quan chức năng chưa kịp thời vì tập trung nhiều vào công tác chuyên môn, thẩm tra, thẩm định, chưa yêu cầu DN phải có thông tin sớm hơn nữa đến với người dân. Trong tương lai, Cục Viễn thông sẽ có quy định không chỉ riêng với dịch vụ này mà sẽ tăng cường tính minh bạch của các DN khi cung cấp dịch vụ.

Tăng cước 3G: Chuyện sớm muộn và tất yếu ảnh 1
Đại diện các cơ quan quản lý và nhà mạng đều cho rằng việc tăng cước 3G là điều tất yếu. Ảnh: minh họa


Có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh

Theo Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, luật sư điều hành Hãng Luật Giải Phóng, cho hay theo quy định tại điều 55 luật Viễn thông, giá cước được dựa trên cơ sở giá thành, quan hệ cung - cầu trên thị trường và tương quan phù hợp với giá cước viễn thông của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, theo luật Cạnh tranh, ba nhà mạng nắm giữ hơn 97% thị phần là nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường). Như vậy, việc tăng giá cước đồng loạt của ba doanh nghiệp này có dấu hiệu vi phạm luật Cạnh tranh.

Cụ thể có dấu hiệu doanh nghiệp vi phạm khoản 1 điều 8 luật Cạnh tranh khi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; vi phạm khoản 2 điều 13 luật Cạnh tranh khi áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Trả lời trên báo Thanh Niên, ông Trần Anh Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), cho hay sau khi có thông tin về việc tăng giá cước, cục này đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin có liên quan.

“Cục cũng sẽ thu thập, tìm hiểu thông tin cụ thể rồi mới có ý kiến việc tăng giá cước 3G đồng loạt có vi phạm luật Canh tranh hay không”, ông Sơn nói.

Trong buổi giao lưu trực tuyến tại trụ sở bộ TT-TT sáng nay, ông Trung cùng các nhà mạng đều khẳng định việc các nhà mạng tăng cước cùng lúc là do văn bản chấp nhận tăng cước được ký cùng ngày (4-10) dù các nhà mạng có đơn đề nghị xin tăng cước vào các thời điểm hoàn toàn khác nhau.

Chất lượng dịch vụ: Hi vọng người dùng thông cảm!

Đối với các nghi vấn về chất lượng dịch vụ sau khi tăng cước, đại diện cả ba nhà mạng mong đợi sự thông cảm và chia sẻ từ phía người dùng

Theo đại diện các nhà mạng, khi nhà mạng điều chỉnh cước, đồng nghĩa sẽ có nhiều cơ hội để tái đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, khi xây dựng mạng thì phải theo lộ trình chứ trong một thời điểm không thể  xây dựng mạng hoàn chỉnh ngay được. Còn về giới hạn thời gian cho lộ trình này, các nhà mạng không đề cập tới.

Theo báo Tuổi Trẻ nhận định, hành động tăng giá cước lần này của các nhà mạng nhằm đẩy nhanh quá trình thu hồi vốn. Về phần hạ tầng mạng 3G, các nhà mạng đều chọn theo hướng phát triển phạm vi phủ sóng và bỏ quên chất lượng.

Ông Phạm Tiến Thịnh, tổng giám đốc Công ty CP mạng Tầm Nhìn Mới Wada cho rằng cơ quan quản lý và các nhà mạng phải nhanh chóng ngồi lại với nhau để xây dựng một lộ trình giá hợp lý với mặt bằng thu nhập của người VN, chứ không phải so sánh với mức giá các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, cần có cơ chế quản lý chất lượng dịch vụ để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. VN hiện chưa có một đơn vị quản lý độc lập nào về chất lượng dịch vụ di động để chuyên thực hiện kiểm tra, giám sát và tiến hành các biện pháp chế tài đối với các nhà mạng cung cấp dịch vụ không đạt chất lượng.

Tăng cước hơn 400%!

Trong các gói cước 3G thay đổi từ ngày 16-10, cước dành cho người dùng các thiết bị USB 3G truy cập Internet có mức tăng khủng nhất. Do là khách hàng “vãng lai”, loại gói cước này không có dung lượng miễn phí và cũng không bị giới hạn tốc độ truy cập, khách hàng dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Cụ thể, gói cước EZ0 của Vinaphone thay đổi từ mức 60 đồng/MB lên đến 250 đồng/MB, tăng hơn 400%; gói cước FC0 của MobiFone tăng từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB, tăng 333%; gói cước Laptop Easy của Viettel tăng từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB, tăng 333% như MobiFone.

Theo Tuổi Trẻ

 

PLO Tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm