Tài xế chở hàng về TP.HCM vẫn kêu trời vì xét nghiệm

Trong hai ngày qua, Tổ Công tác đặc biệt do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trực tiếp chỉ đạo đã tiếp nhận nhiều ý kiến của người dân liên quan đến việc cung ứng hàng hóa thiết yếu. Đồng thời kết nối các đơn vị vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đưa hàng hóa vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Cụ thể, ngày 19-7, Tổ công tác đã làm việc trực tuyến với Sở Công Thương TP.HCM, Hiệp hội vận tải TP.HCM, siêu thị MM Mega Market, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn Satra, Saigon Co.op để nắm bắt khó khăn vướng mắc và lắng nghe đề xuất từ DN.

Tổ công tác đã kịp thời kết nối thông tin nguồn hàng của Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai do tỉnh này có thể cung cấp thịt heo với số lượng 7.000-8.000 con/ngày, trứng khoảng 1 triệu quả/ngày...

Tổ công tác đề nghị Hiệp hội vận tải TP.HCM hỗ trợ vận chuyển cho các DN đang gặp khó khăn trong vận tải.

Thực phẩm tươi sống tại các hệ thống siêu thị TP.HCM dồi dào. ẢNH: H.Y

Về cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM, hệ thống siêu thị MM Mega Market đã tăng lượng hàng hóa dự trữ thiết yếu gấp ba, bốn lần. Mức dự trữ hiện tại và lượng hàng hóa thiết yếu đang đặt nhà cung cấp giao tăng 60%-70% ngày so với bình thường.

Tương tự, Tổng công ty Thương Mại Sài Gòn Satra huy động lượng hàng hóa thiết yếu tăng lên gấp bốn, năm lần so với bình thường. Nguồn hàng dự trữ tại kho hiện nay đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong khoảng ba tuần.

Về giá cả hàng hóa được giữ ổn định từ đầu tháng 7 đến nay, một số mặt hàng có biến động khoảng 3%-5% do chi phí vận chuyển tăng.

Hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart + đang có khoảng 1.000 cửa hàng tiện ích và siêu thị cung cấp 100-120 tấn thịt/ngày, 270-300 tấn rau củ/ngày, 80-100 tấn thủy hải sản/ngày.

Siêu thị khẳng định lượng hàng hóa đủ cung ứng cho người tiêu dùng. Hiện nay, hệ thống đang dự trữ lượng hàng tăng 300% so với bình thường, tương ứng khoảng 40-60 ngày tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Vinmart có ba kho dự trữ hàng trong đó có hai kho ở TP.HCM, một kho ở Bình Dương.

Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt, ngày 20-7 tại TP.HCM lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi giảm so với các ngày trước đó và đi vào ổn định. Các hệ thống phân phối áp dụng việc mua giới hạn một số loại hàng hóa bình ổn để tránh tình trạng thu gom.

Nhân viên siêu thị soạn đơn hàng sẵn cho người dân . ẢNH: TÚ UYÊN

Tại các tỉnh phía Nam như Đồng Tháp có 43/182 chợ, 1/9 siêu thị, 6/52 cửa hàng tiện lợi đã ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Tỉnh An Giang có 20 chợ, 16 xã, hai thị trấn của huyện Chợ Mới thực hiện phát phiếu cho người dân đi chợ vào các ngày chẵn hoặc lẻ.

Nhìn chung tình hình trao đổi hàng hóa các tỉnh thành phía Nam diễn ra ổn định, sức mua không tăng so với ngày 19-7. Nguồn cung hàng hóa thiết yếu dồi dào.

Riêng một số cửa hàng Bách Hóa Xanh đang khan hiếm các mặt hàng thực phẩm tươi sống do kho hàng đặt tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ có ca nhiễm COVID-19. Giá các loại thực phẩm tươi sống trong ngày nhìn chung có tăng nhẹ hơn so với ngày thường.

Chợ truyền thống các tỉnh phía Nam đến nay vẫn hoạt động bình thường, chỉ ở những tỉnh có nhiều ca nhiễm COVID-19 như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, nhiều chợ phải đóng cửa. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM và từ TP.HCM đến các địa phương vẫn còn khó khăn.

Nhiều tài xế cũng kêu trời vì quy định xét nghiệm giữa các địa phương chưa thống nhất, mỗi nơi làm một kiểu. Đó là chưa kể chi phí xét nghiệm rất tốn kém, mất nhiều thời gian chờ đợi làm tăng chi phí, đội giá sản phẩm.

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Y tế và các địa phương để tháo gỡ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm