Tái cơ cấu DNNN: Giảm thiểu lợi ích nhóm chi phối

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế-xã hội Hà Nội, cho rằng tái cấu trúc nói chung và DNNN nói riêng là quá trình làm thay đổi toàn bộ hệ thống và đụng chạm đến lợi ích nhóm. Hiện nay trong quản lý DNNN vẫn còn sự nhập nhằng giữa mục tiêu lợi nhuận và phi lợi nhuận.

Theo ông Nguyễn Minh Phong, tái cấu trúc DNNN phải phân biệt được hai nhóm lợi ích này. Nếu thực hiện vì lợi nhuận thì phải cạnh tranh quyết liệt trên thương trường một mất một còn, trong khi nếu tính đến phi lợi nhuận thì phải được Nhà nước đặt hàng. Như thế mới làm cho DNNN mạnh lên.

Để thực hiện được tái cơ cấu DNNN, ông Phong cho rằng Chính phủ phải tuân thủ trình tự quy luật thị trường, giảm thiểu đầu tư công, giảm tình trạng lạm dụng về sở hữu nhà nước, nhất là tình trạng xin khống chế tỉ lệ cổ phần hóa.

Còn theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, trước đây chúng ta đã tiến hành đổi mới DNNN, trải qua hơn 20 năm vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Bởi bây giờ tái cấu trúc liên quan đến nhóm lợi ích hùng mạnh, nhiều tập đoàn lắm tiền của. Tuy nhiên, lần tái cơ cấu này Chính phủ phải hành động quyết liệt thì may ra mới thành công.

Ông Thành cho rằng DNNN vừa là DN muốn có lợi nhuận nhưng lại xem đó là công cụ để điều tiết kinh tế vĩ mô. “Vậy một DN có thể làm tròn nhiệm vụ hai vai này không? Có hai vấn đề muôn thuở không giải quyết được tận cùng của DNNN, một là đại diện và xung đột lợi ích, hai là rủi ro đạo đức dẫn đến làm liều, thiếu trách nhiệm” - ông Thành nói.

Do vậy, ông Thành cho rằng muốn giải quyết được những vấn đề trên, chúng ta phải tăng tính thị trường cạnh tranh và giám sát. Theo đó, chúng ta phải tiến hành cổ phần hóa như một cuộc cách mạng, vẫn biết là không mới nhưng sẽ tập trung đánh mạnh vào các DN lớn, làm thay đổi căn bản trong quản trị, tạo minh bạch trong giám sát.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm