Sức mua giảm mạnh

Mới đây, theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, tỉ lệ người tiêu dùng Việt tiết kiệm chi tiêu tăng cao so với quý trước. Kết quả này phản ánh rõ thực tế khi thời gian qua nhiều ngành hàng có sức mua ì ạch.

Sức mua ì ạch

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, cho biết chỉ số giá tiêu dùng của TP tháng 1 (0,4%) và tháng 2 (0,24%) ở mức thấp cho thấy sức mua giảm mạnh.

Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc công ty sản xuất hàng may mặc trẻ em, chia sẻ ngay trong dịp tết vừa qua thì sức tiêu thụ hàng may mặc vẫn rất kém. Trước đây bình quân mỗi tháng bán được khoảng 6 tỉ đồng. Nhưng hai tháng tết mới đây chỉ bán  cao lắm là 1 tỉ đồng, mặc dù công ty đã mở các kênh bán hàng lưu động, vào các KCN-KCX và nhiều nơi.

một số đầu mối bán hàng quần áo thời trang trẻ em ở các chợ đầu mối như An Đông, Bình Tây… đã phải hứng chịu lượng hàng dội về khoảng 40%-50% dù vừa qua tết. Nguyên nhân do giá hàng quá rẻ, người tiêu dùng lo lắng là… hàng Trung Quốc.


Nhiều người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước. Ảnh: TÚ UYÊN 

Tương tự, đại diện Công ty Nhôm Kim Hằng cho biết sản phẩm cho phân khúc cấp thấp chững lại. Để có hàng không tồn kho, công ty phải liên tục thực hiện kích cầu nên dù có tăng trưởng nhưng bù lại chi phí bỏ ra để thực hiện lại cao.

Lâm vào khó khăn không kém, ông Nguyễn Phan Thanh Bảo, quyền Trưởng phòng thị trường Công ty Cổ phần Thực phẩm Nước giải khát Dona NewTower, cho biết sức mua sụt giảm kéo dài từ trước tết đến nay. Vì vậy trong hai tháng qua sức mua giảm 7%-8% so với cùng kỳ.

Kết quả nghiên cứu của Công ty Kantar Worldpanel cũng phản ảnh đa số gia đình thu nhập thấp cắt giảm chi tiêu đồng nghĩa với việc họ ngưng dùng các mặt hàng không thật sự thiết yếu. Những sản phẩm giá rẻ hay có khuyến mãi được nhóm gia đình thu nhập thấp chọn để tiết kiệm chi phí.

Lạm phát, thất nghiệp bào mòn chi tiêu

Khi phân tích về nguyên nhân khiến sức mua ì ạch, ông Sinh cho hay ngoài lý do khách quan như năm nay một số nơi cho người lao động nghỉ sớm trước tết nên ảnh hưởng đến sức mua chung, hay thời tiết lạnh kéo dài khiến hàng trẻ em khó bán… thì nguyên nhân quan trọng là người dân… hết tiền.

Trong khi đó, đại diện Công ty Sunhouse chia sẻ thời điểm này sức mua giảm khoảng 20% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do có sự cạnh tranh của các đối thủ mới vào thị trường. Ngoài ra, người tiêu dùng  lo lắng năm nay khó khăn hơn năm trước nên tiết kiệm hơn.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích do lạm phát cao qua các năm đã bào mòn sức mua. Bên cạnh đó từ quý III đến quý IV có nhiều ngân hàng sa thải nhân viên. Trong năm 2013 có 61.000 DN đóng cửa, ước tính mỗi DN có 15 người thì con số người thất nghiệp là khoảng 1 triệu. Những người thất nghiệp này nếu không có công ăn việc làm thì chắc chắn họ cắt giảm chi tiêu.

Theo Công ty Kantar Worldpanel, kinh tế không thuận lợi tác động xấu đến tiêu dùng và khiến người tiêu dùng cẩn trọng hơn trong các quyết định và hành vi chi tiêu của mình. Trong đó nhóm thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất với mức chi tiêu cho tiêu dùng nhanh giảm. Ngược lại, nhóm thu nhập trung bình khá, thu nhập cao đang là nguồn động lực tăng trưởng của thị trường FMCG.

DN phải điều chỉnh giá để tăng trưởng

Theo ông Doanh, khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu sẽ dẫn đến tồn kho cao. Cùng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hưng lo ngại DN nội địa rất khó khăn, lượng hàng tồn kho tăng, DN không dám đầu tư phát triển sản xuất vì không có đầu ra.

Nói về giải pháp, ông Doanh cho hay để giúp DN phát triển đầu tư sản xuất, Nhà nước cần giữ lạm phát ổn định, cải thiện môi trường kinh doanh, có nhiều biện pháp hỗ trợ DN...

Còn ông Hưng cho rằng phải có biện pháp kích cầu, ví dụ làm thế nào tăng thu nhập người dân. Khi người tiêu dùng có thu nhập khá sẽ đẩy chi tiêu tăng trưởng, lúc đó DN mới đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, sức mua phụ thuộc vào việc điều hành các chính sách vĩ mô của Nhà nước.

Đại diện Công ty Kantar Worldpanel chia sẻ để tiếp tục tăng trưởng trong điều kiện kinh tế khó khăn, các DN trong ngành tiêu dùng nhanh nên đặt “giá trị” trong mọi thông điệp sản phẩm. Nhóm thu nhập thấp và trung bình sẽ tiếp tục tìm đến các sản phẩm giá tốt. Vì vậy điều chỉnh giá là cực kỳ quan trọng nhằm duy trì tăng trưởng ở phân khúc này. Trong khi đó nhóm người tiêu dùng thu nhập cao sẽ vẫn tiếp tục tiên phong trong các xu hướng tiêu dùng mới.

TÚ UYÊN

 

Hàng công nghiệp chế biến tồn kho nhiều

Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1-2014 tăng 9,7% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng có tỉ lệ tồn kho cao như chế biến sữa và các sản phẩn từ sữa tăng 30,4%, sản xuất đường tăng 21,4%, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 33,2%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm