Sửa Nghị định 84: Vẫn rối như canh hẹ

Kể từ tháng 9-2009, khi Nghị định 84/2009 về quản lý kinh doanh xăng dầu ra đời đến nay, mọi bức xúc về giá của mặt hàng này vẫn luôn tồn tại trong dư luận. Khi được hỏi vì sao giá xăng trong nước luôn tăng nhanh, giảm chậm thì hầu hết câu cửa miệng của nhiều người vẫn là: Lỗi do cơ chế!

Cơ chế sai thì phải sửa từ cơ chế.

Nghị định 84 quy định DN có quyền tự quyết định giá nhưng cũng kèm theo những ràng buộc “hành chính hóa” mức nào mới được tăng, giảm và bao nhiêu ngày mới điều chỉnh… Vô hình trung vẫn là Nhà nước định giá.

Như thế, Nghị định 84 ra đời nhưng bản thân các DN cũng thừa nhận rằng nghị định chỉ tồn tại trên giấy. Từ đây mới có chuyện sau một hồi tính toán của tổ giám sát sẽ có văn bản hướng dẫn, rồi từ DN lớn là Petrolimex đến các DN nhỏ cứ “làm theo” với một mức giá, không có cạnh tranh.

Nay Nghị định 84 sẽ được sửa. Những hạn chế từ bấy lâu sẽ được đưa ra bàn thảo, cân nhắc. Thế nhưng có vẻ như mọi chuyện lại “rối” hơn khi xuất hiện “khái niệm” mới đó là giá trần cho xăng dầu. Từ đây lại có những tranh cãi trái chiều. Như thế nào là giá trần chuẩn? Giá thế giới biến động liên tục, chuẩn trong một tháng đã khó, nay lại chuẩn cho cả năm? Hoặc nếu giá thế giới xuống thấp hơn giá trần, có chế tài nào để buộc DN hạ giá?

Cách đây khá lâu, một chuyên gia kinh tế đã nhận định nếu cứ quanh quẩn với quỹ bình ổn, khi nào thì DN được tăng/giảm giá hay mới đây là giá trần việc giải bài toán của ngành xăng dầu cứ… tù mù. Trong khi mấu chốt của vấn đề vẫn là tính thị trường của xăng dầu. Các DN có thực sự cạnh tranh khi tồn tại một DN quá lớn? Liệu Nhà nước có “mạnh tay” để sắp xếp lại thị trường hoặc tạo điều kiện để có một DN lớn, ít nhất có thể làm đối thủ của Petrolimex?

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm