Sửa đổi Nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu: Hạ giá xăng nếu giá thế giới giảm trên 3%

Sau một thời gian lấy ý kiến góp ý xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 55, cho đến nay chưa có sự đồng thuận về cơ chế điều hành giá mặt hàng xăng dầu”. Đó là nhấn mạnh của ông Võ Văn Quyền, Vụ phó Vụ Chính sách thị trường trong nước, tại buổi lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2007 về kinh doanh xăng dầu, tổ chức tại Hà Nội hôm qua (29-7).

Giá có lên có xuống

Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương, nêu: Hai năm nay, dù kinh doanh xăng dầu đã theo cơ chế thị trường nhưng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối (DN) đang lỗ khổng lồ. Nếu Bộ Tài chính cho giảm thì Bộ không lấy đâu ra tiền bù lỗ cho các DN. Hơn nữa, nếu bù lỗ cho các DN thì ngân sách sẽ phải giảm chi cho xây cầu đường, xây dựng trường học... Cơ chế điều hành hiện nay theo đúng nguyên tắc chỉ đạo của Thủ tướng là ưu tiên quyền lợi của người tiêu dùng. Do vậy, quy định mới cần được ban hành càng sớm càng tốt.

Với ba phương án điều hành giá xăng dầu được ban soạn thảo đưa ra (xem box), ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cho biết: Cơ chế điều hành giá xăng dầu đảm bảo giá có lên có xuống theo tín hiệu của thị trường thế giới, nhằm tránh neo giá ở mức cao khi giá thế giới đã giảm, tránh đọng giá khi giá thế giới lên quá cao. DN được quyền quyết định giá bán trên cơ sở các nguyên tắc, phương pháp tính giá, cơ chế kiểm soát giá và các biện pháp bình ổn do nhà nước quy định.

Ông Trần Văn Tư, Trưởng phòng Chính sách pháp luật, Ban Chính sách thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lo ngại: Giá cơ sở được hình thành do các DN tự tính toán thì vai trò kiểm soát của nhà nước, quản lý theo dõi giá cơ sở như thế nào? Cơ quan quản lý giá cần nêu rõ trách nhiệm của mình. “Đặc biệt, không chỉ nhà nước giám sát việc điều chỉnh giá xăng dầu mà cơ chế giá, hình thành giá cần phải có sự giám sát của xã hội, thông qua tổ chức Hội Bảo vệ người tiêu dùng, các hiệp hội kinh doanh vận tải... Bên cạnh đó, việc giảm giá chậm, không hợp lý thì cũng cần phải có chế tài đủ mạnh đối với những DN vi phạm” - ông Tư đề xuất.

Ông Nguyễn Thanh Toản, Phó Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Phúc, cho rằng chỉ nên quy định thời hạn và mức tăng giá không quá bao nhiêu, còn khi giảm nên để DN giảm càng nhiều càng tốt, không nên đưa ra các mức như trong các phương án.

Hàng loạt cây xăng có nguy cơ đóng cửa

Dự thảo nghị định lần này đã khuyến khích thương nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cơ sở kinh doanh xăng, dầu. Tuy nhiên, ông Toản góp ý nên giảm bớt các điều kiện về kho cảng, phương tiện vận tải... Theo ông Toản, đã tham gia kinh doanh thì DN tự khắc phải lo phương tiện vận tải, mạng lưới phân phối... của mình để đảm bảo làm sao kinh doanh có lãi.

Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, đề xuất: Nghị định nên bỏ quy định buộc các DN muốn kinh doanh xăng dầu phải lấy ý kiến phường, xã bởi khi có cửa hàng xăng dầu thì DN đã phải có giấy phép của Sở Xây dựng với các điều kiện như thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy... Các cây xăng không phải là các cửa hàng thương mại mà có thể di dời tùy tiện.

Bà Dung cũng lưu ý thêm là với dự thảo nghị định này, hàng loạt cây xăng nội thành ở TP.HCM có nguy cơ đóng cửa. Theo dự thảo, mỗi cây xăng phải có bề rộng trên 20 m, độ lùi cho xe phải là 10 m..., trong khi đó hàng trăm cây xăng trong nội thành TP.HCM lại không đủ điều kiện trên. Điều này tất sẽ gây khó cho người tiêu dùng trong nội thành. Do vậy, bà Dung kiến nghị nên có quy định rõ đối với những cây xăng cũ. Căn cứ vào tình hình thực tế nên có thêm điều khoản bắt buộc họ phải điều chỉnh nhưng tinh thần là tạo điều kiện cho các cửa hàng đang thực hiện tốt quy định hiện hành thì vẫn được tiếp tục kinh doanh.

Về những cây xăng gian lận, bà Dung cũng đề nghị nghị định cần phải có chế tài nêu rõ trách nhiệm của những tổng đại lý xăng dầu để phối hợp quản lý đảm bảo chất lượng khi cung ứng tới khách hàng.

Sửa đổi Nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu: Hạ giá xăng nếu giá thế giới giảm trên 3% ảnh 1Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương:

Đừng bảo Petrolimex chiếm lĩnh thị trường

Có ý kiến cho rằng chừng nào Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) còn chiếm trên 60% thị phần trong nước thì nhà nước nên định giá xăng dầu. Theo tôi, đánh giá Petrolimex đang chiếm lĩnh thị trường là không hoàn toàn chính xác. Một điều rất quan trọng là Petrolimex bên cạnh việc kinh doanh còn thực hiện nhiệm vụ chính trị do nhà nước giao. Petrolimex không hẳn có toàn quyền quyết định tất cả các hoạt động kinh doanh của mình, tách rời sự điều hành của nhà nước. Khi nhà nước buộc giảm giá thì Petrolimex phải giảm đầu tiên. Trong khi đó, thị trường không có độc quyền tăng giá. Khi không được tăng giá, với khối lượng bán ra lớn như hiện nay thì số lỗ của Petrolimex sẽ rất khổng lồ.

Ba phương án điều hành giá xăng dầu

Theo Bộ Tài chính, khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm làm giá thành xăng dầu giảm trên 3% trở lên thì doanh nghiệp phải hạ giá bán lẻ.

Phương án 1: DN phải tham gia bình ổn giá ngay trước khi điều chỉnh giá. Nhà nước can thiệp trong trường hợp giá biến động bất thường. Các tỷ lệ tăng, giảm giá cơ sở so với giá bán lẻ hiện hành ở phương án này được tính theo các mức dưới 3%, từ 3%-12% và trên 12%.

Ưu điểm: Thực hiện phương án này sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Mức độ điều chỉnh nhẹ, nếu có tăng cũng không dẫn đến điều chỉnh giá giật cục. Nhược điểm: Nhà nước vẫn can thiệp hành chính vào kinh doanh của DN.

Phương án 2: DN được điều chỉnh theo giá thị trường trong phạm vi đến 10%, nếu trên mức này thì chỉ được điều chỉnh mức độ, phần giá vốn biến động còn lại sẽ xử lý thông qua quỹ bình ổn giá. Thời gian giữa hai lần điều chỉnh tối thiểu là 20 ngày. Tương tự, tỷ lệ tăng, giảm giá cơ sở so với giá bán lẻ được tính theo các mốc từ 10% trở xuống, từ trên 10% đến 15% và trên 15%. DN phải trích quỹ bình ổn. Nếu giá vốn tăng trên 15% thì nhà nước mới công bố lùi trích quỹ.

Ưu điểm: Giá trong nước sát với giá thế giới. Cơ chế điều hành công khai, minh bạch, DN chủ động điều chỉnh giá bán. Nhược điểm: Mức độ điều chỉnh khoảng 10%, dễ gây sốc, dễ gây tâm lý găm hàng chờ đợi cơ hội điều chỉnh giá, gây bất ổn thị trường.

Phương án 3: DN được điều chỉnh giá theo thị trường trong phạm vi đến 7%, nếu trên mức này thì chỉ được điều chỉnh có mức độ, phần giá vốn biến động còn lại sẽ xử lý thông qua quỹ bình ổn giá. Tỷ lệ biến động được tính là dưới 7%, từ 7%-12% và trên 12%. Nhược điểm: Tần suất điều chỉnh không dày, việc điều chỉnh giá cố định dễ gây tâm lý chờ đợi giá có lợi, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường nếu không có những chế tài cụ thể.

(Giá cơ sở là giá được xác định bởi giá CIF, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, tỷ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trước thuế, thuế giá trị gia tăng, phí xăng dầu, mức trích quỹ bình ổn giá...)

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm