Standard & Poor’s dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Standard & Poor’s dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 1

Tổng quan

Xếp hạng tín dụng của Việt Nam phản ánh nền kinh tế thu nhập thấp, hệ thống tài chính đang phát triển và khung chính sách đang trong quá trình hoàn thiện. Những yếu tố trên khiến kinh tế Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng từ những cú sốc bên ngoài và gánh nặng tài chính công tăng lên.

Triển vọng kinh tế tốt, một phần đến từ cải cách không ngừng của chính phủ, đã làm giảm bớt hạn chế trên. Tỷ lệ nợ thấp cũng mang tính hỗ trợ đối với chất lượng tín dụng Việt Nam.

Những sự kiện từ năm 2007 đến nay cho thấy những rủi ro liên quan đến những yếu điểm tín dụng của Việt Nam. Dòng vốn nước ngoài dồi dào trong năm 2007 và năm 2008 và một số phản ứng chính sách không phù hợp đã khiến tín dụng tăng trưởng quá nóng. Đầu năm 2008, tất cả yếu tố này dẫn đến mất cân bằng kinh tế vĩ mô, lạm phát và thâm hụt thương mại tăng cao.

Sau đó, một loạt chính sách mạnh tay từ phía chính phủ đã ngăn sự mất cân bằng chuyển sang mất ổn định. Tháng 4/2009, chỉ số giá tiêu dùng rơi xuống dưới 10%, 4 tháng đầu nay, Việt Nam có thặng dư thương mại.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn rất mạnh trong năm 2008, và dù FDI có giảm mạnh trong năm 2009, Standard&Poors cho rằng FDI sẽ hồi phục cùng kinh tế toàn cầu. Việt Nam vì thế có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm. Tăng trưởng kinh tế năm 2009 có thể chỉ đạt 4% do kinh tế toàn cầu đi xuống.

Biến động những năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ tăng trong 1 cho tới 2 năm tới, đặc biệt tại những ngân hàng mới thành lập, ngân hàng nhỏ với tỷ lệ tín dụng tăng trưởng cao nhất. Nếu kinh tế tiếp tục khó khăn, chất lượng tài sản sẽ đi xuống. Chính phủ có thể sẽ phải hỗ trợ các ngân hàng để đảm bảo ổn định tài chính.

So sánh

Việt Nam có xếp hạng tín dụng tương đương với Ai Cập, Guatemala, Indonexia và Philippin. Tất cả các nước trong nhóm này là nước thu nhập thấp với thu nhập bình quân đầu người dao động từ 1.052USD tại Việt Nam cho đến 2.827USD tại Guatemala.

Kinh tế tất cả nhóm nước này đều tăng trưởng mạnh những năm gần đây. Từ năm 2006 đến năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của Guatemala tăng 2,2%, tốc độ này tại Việt Nam là 7,7%. Thu nhập bình quân đầu người tại Guatemala tăng trưởng chậm bởi dân số nước này tăng trưởng quá nhanh trong khi GDP đi lên với tốc độ 5% còn tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7%.

Guatemala và Việt Nam đều là nước vay nợ ít, thâm hụt tài khoản vãng lai tăng cao những năm gần đây. Đầu tư tăng cao mang yếu tố hỗ trợ lớn đối với Việt Nam. Nguyên nhân khiến đầu tư tại Việt Nam tăng cao là nhờ cam kết cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải tổ cơ cấu cũng như tăng chi tiêu. Giai đoạn 2004-2008, Việt Nam cam kết dành 39% GDP cho đầu tư nội địa. Con số này cao hơn so với mức 23% và 22% tại Philippin.

Cải tổ cơ cấu mang lại triển vọng kinh tế sáng sủa hơn

Hai điểm đáng chú ý: Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2007 và năm 2008 dẫn đến đầu tư vốn tăng cao; Kinh tế sẽ vẫn đi lên bất chấp kinh tế toàn cầu chững lại.

Dù thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2009 chỉ đạt 1.083USD, đầu tư mạnh những năm gần đây sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế mạnh và bền vững. Giai đoạn 2004-2006, đầu tư vốn tăng lên mức khoảng 35% GDP từ mức dưới 30% năm 2000, đầu tư có chịu ảnh hưởng tích cực từ việc tỷ lệ thất nghiệp nội địa lên tới 34% GDP. Năm 2007 và năm 2008, tín dụng và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh nâng tỷ lệ đầu tư lên 45% GDP.

Đầu tư tăng đe dọa ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô tại Việt Nam. Chỉ số giá tiêu dùng lên mức 21% trong tháng 4/2008 từ 10% cuối năm 2007. Thâm hụt thương mại tăng cao, thâm hụt tài khoản vãng lai năm 2007 là 7 tỷ USD tương đương 9,9% GDP.

Kết hợp với yếu tố khủng hoảng tài chính thế giới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm.

Phản ứng chính sách mạnh mẽ từ phía chính phủ đã giúp ổn định kinh tế và giảm thâm hụt thương mại. Đến tháng 10/2008, chỉ số giá tiêu dùng bắt đầu giảm so với tháng trước.

Thâm hụt thương mại cũng giảm sâu. Việc kiềm chế ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu lên kinh tế Việt Nam là trọng tâm chính sách vào cuối năm 2008.

Từ quý 4/2008, chính sách tài khóa và tiền tệ đã được nới lỏng để ngăn tăng trưởng kinh tế đi xuống.

Chính sách phù hợp đã giúp kinh tế hồi phục trong quý 2/2009. Sau khi rơi xuống mức 3,1% vào quý 1/2009, tăng trưởng lên cao trong tháng 4/2009 và nửa đầu năm 2009, tăng trưởng đạt 3,9%.

Tăng trưởng trong khoảng thời gian còn lại của năm 2009 sẽ không được ấn tượng như vậy bởi nhu cầu cá nhân chững lại. Chi tiêu tiêu dùng chịu ảnh hưởng bởi thất nghiệp tăng và việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân. Số lượng các dự án FDI giảm. Tính cả năm, Standard&Poors dự báo tăng trưởng GDP đạt 4%.

Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2010 và năm 2011 dự kiến đạt mức 6% và 7%/năm khi đầu tư vốn hồi phục. Trong ngắn hạn xuất khẩu sẽ đi lên nhờ việc thực thi các dự án FDI đã cam kết. Nền kinh tế các nước phát triển vẫn còn chịu nhiều bất ổn.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin nhà đầu tư. Cam kết FDI 7 tháng đầu năm 2009 giảm hơn 81%.

Bất chấp triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu trong ngắn hạn, S&P dự đoán tăng trưởng kinh tế trung hạn của Việt Nam có thể đạt từ 7% đến 7,5%. Cần cải tổ các doanh nghiệp nhà nước mạnh tay hơn.

Thâm hụt tài khoản vãng lai năm 2009 giảm sâu

Thâm hụt tài khoản vãng lai giảm sâu từ cuối năm 2008 và đã chuyển sang thặng dư vào đầu năm 2009. Mức thâm hụt hiện nay vẫn gần mức đỉnh 10% GDP thiết lập năm 2008.

4 tháng đầu năm 2009, thặng dư thương mại của Việt Nam là 800 triệu USD.

Đến tháng 6/2009, con số này chuyển thành thâm hụt 2,1 tỷ USD. Một phần nguyên nhân đằng sau việc này là xuất khẩu vàng so với những tháng đầu năm giảm.

Tính cả năm 2009, S&P dự báo mức thâm hụt thương mại sẽ là 4 tỷ USD. Thâm hụt tài khoản vãng lai năm 2009 sẽ còn 2,1% GDP từ mức gần 11% của năm 2008.

Theo Standard&Poor’s

Ngọc Diệp

huyenvi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm