Sống trên ‘mỏ vàng’, sao miền Tây vẫn chưa giàu?

Nhằm tìm giải pháp giúp ĐBSCL phát triển tài nguyên bản địa, tại Bến Tre, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và mạng lưới liên kết bốn tỉnh, TP An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, TP Cần Thơ vừa phối hợp tổ chức diễn đàn kinh tế lớn nhất vùng ĐBSCL - Mekong Conect 2017.

"Mỏ vàng" nông sản

ĐBSCL được mệnh danh là vùng đất trù phú, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 50% diện tích lúa. 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản của cả nước.

Thế nhưng sống trên vùng đất “mỏ vàng” nông sản” nhưng ĐBSCL “mãi vẫn chưa thể giàu”, chưa có phát triển vượt bậc, chưa được khai thác đúng mức.

ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, trong đó TP Cần Thơ chiếm tới diện tích hàng trăm ngàn hecta và Cần Thơ được xem là vùng trồng lúa quan trọng của ĐBSCL. Nhờ con nước trong và đất phù sa màu nên gạo Cần Thơ luôn giữ được tinh chất ngọt của đất trời.

Chia sẻ câu chuyện  “Cần Thơ gạo trắng nước trong”, ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ băn khoăn, thời gian gần đây một lượng không nhỏ gạo của Việt Nam đi vào thị trường quốc tế nhưng bị trả lại do chưa đảm bảo sạch, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy định là điều hết sức quan ngại.

Để hạt gạo Cần Thơ giữ mãi được thương hiệu “gạo trắng nước trong”, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho hay: “TP Cần Thơ vừa họp với các sở ngành, các doanh nghiệp thống nhất sẽ tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất sạch. Vụ đông xuân 2017-2018 tới đây chúng tôi dự kiến sẽ triển khai sản xuất mô hình cánh đồng lúa sạch tại một số huyện có diện tích trồng lúa lớn như Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh”.

Theo các chuyên gia, gạo Việt Nam là một trong ba quốc gia hàng đầu về sản lượng sản xuất, xuất khẩu nhưng nghịch lý hiện nay Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia như các nước khác.

Trong khi đó việc phân phối cung cấp gạo trên thị trường nội địa và việc khai thác giá trị hạt gạo còn nhiều bất cập, chưa có phương pháp định hướng rõ ràng lâu dài.

GS-TS Võ Tòng Xuân chia sẻ cả nước hiện có 70% người sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy lo, an toàn thực phẩm không rõ”.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đầu tư cho logo của mình nhưng chưa đầu tư xây dựng thương hiệu của sản phẩm; nhất là mặt hàng gạo, chưa thực hiện “Bảo vệ thương hiệu là duy trì lòng tin của khách hàng.”

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, thị trường thế giới ngày càng cạnh tranh thì việc xây dựng thương hiệu là một cách nâng cao giá trị và uy tín gạo Việt Nam là cần thiết, dù “trễ còn hơn không”, bằng việc tổ chức sản xuất theo tiêu chí sản xuất sạch, truy rõ nguồn gốc, tăng cường hoạt động quảng bá thương hiệu cho hạt gạo. 

Bao giờ biển mới khai thác được tiềm năng?

Theo ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhiều chuyên gia đánh giá ĐBSCL là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất thủy sản nông sản vào bậc nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nói chung và nông nghiệp của vùng còn thiếu vững chắc, tiềm năng lợi thế của vùng chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả, chưa ứng dụng tiến bộ KHCN tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng còn hạn chế, hạ tầng thiếu đồng bộ.

Hơn nữa liên kết vùng này chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả sản xuất nông sản chưa cao… Mặt khác ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu.

 “Yêu câu cấp thiết đặt ra là phải cơ cấu lại nền nông nghiệp dựa trên ứng dụng thành tự KHCN cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết tạo thành giá trị ngành hàng chủ lực và liên kết vùng” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Trao chứng nhận cho 14 doanh nghiệp đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập.

Ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết hàng hóa sản xuất ở ĐBSCL chủ yếu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp, khai thác sử dụng tài nguyên theo phương pháp truyền thống.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang có những tác động tiêu cực đến sinh kế của người dân và phát triển kinh tế của vùng.

“Bộ KH&CN mong muốn sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các địa phương Mekong Connect nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung trong đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công  nghệ phát triển tài nguyên bản địa, biến những thách thức hiện nay thành cơ hội phát  triển hướng tới một ĐBSCL giàu có bền bỉ, đổi mới, kết nối và hài hòa” - Thứ  trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm