Siết lãi suất huy động, lạm phát tăng?

Chính phủ khuyến cáo Ngân hàng nhà nước không nên khống chế trần lãi suất 12% như hiện nay. Mặc dù mức trần lãi suất huy động Chính phủ khuyến cáo khá thông thoáng nhưng bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết các ngân hàng đã thống nhất với nhau là sẽ không bỏ trần lãi suất huy động cao như trên.

Việc khống chế trần lãi suất huy động hẹp như Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đưa ra là không hợp lý, nhất là khi tình trạng lạm phát vẫn còn cao.

Càng gửi nhiều càng lỗ

Việc khống chế lãi suất trần kể trên đã triệt tiêu động lực cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại. Để tránh sự cạnh tranh bất bình đẳng, các quốc gia đã luật hóa bằng các luật như chống độc quyền, lũng đoạn giá... Nền kinh tế đang bị lạm phát tăng cao thì dịch vụ tài chính ngân hàng tăng giá là hiển nhiên. Tiền gửi tiết kiệm của người dân ở ngân hàng phải được tăng giá cho tương xứng với các loại hàng hóa khác mới đúng. Trong bối cảnh bốn tháng đầu năm 2008 lạm phát đã tăng lên hơn 10% thì việc khống chế lãi suất trần 11%/năm làm cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm càng nhiều càng bị lỗ lớn.

Lãi suất tiết kiệm bị khống chế ở mức trần 11%/năm đã không hấp dẫn người dân gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng. Cho nên giải pháp an toàn của người dân bây giờ là đi mua vàng, USD cất trữ trong nhà vì họ cho là có lợi. Điều này thể hiện ở con số thống kê lượng vàng người dân đang cất trữ rất lớn, tương đương giá trị 12 tỷ USD nhưng cho ngân hàng vay lại rất ít. Khối lượng lớn tiền này lẽ ra phải được đầu tư vào việc sản xuất ra hàng hóa, góp phần chống lạm phát. Cũng vậy, tiền dư thừa trong dân còn quá lớn trong khi nền kinh tế đang khát vốn, các ngân hàng cũng đang mất tính thanh khoản. Vì vậy, ngay sau khi Hiệp hội Ngân hàng thống nhất giảm mức lãi suất huy động xuống 11%/năm thì lãi suất liên ngân hàng đã tăng vọt lên 17%/năm.

Thị trường quyết định lãi suất là hay nhất

Trước tình hình đó, những ngân hàng đang thiếu tiền muốn tăng lãi suất lên để huy động vốn cũng không được. Mà khi hệ thống ngân hàng thương mại thiếu tính thanh khoản thì Ngân hàng nhà nước bắt buộc phải tung tiền ra cho vay. Điều này làm cho nguồn tiền lưu thông đang thừa lại càng thừa hơn khi Ngân hàng nhà nước tiếp tục bơm tiền ra, mà khi càng bơm tiền ra lạm phát lại càng tăng.

Các nhà quản lý đã quá kỳ vọng rằng khi khống chế trần lãi suất huy động 11%/năm thì sẽ làm cho các ngân hàng thương mại cạnh tranh đầu ra. Nghĩa là họ buộc phải hạ lãi suất cho vay nếu không sẽ mất khách hàng.

Ngân hàng nhà nước cần nới lỏng lãi suất huy động ít nhất cũng phải bằng với với tỷ lệ lạm phát trở lên thì mới thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân về hệ thống ngân hàng thương mại. Điều này sẽ tăng cường sức mạnh cho hệ thống tài chính-tiền tệ quốc gia, đồng thời còn làm tăng khả năng chống đỡ với những diễn biến xấu (nếu có) của từng ngân hàng thương mại riêng lẻ.

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, lãi suất giao dịch bằng VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng ở hầu hết các kỳ hạn, đặc biệt là đối với các kỳ hạn ngắn. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND khối ngân hàng thương mại nhà nước phổ biến ở mức 14,6%/năm, trung và dài hạn 16,2%/năm. Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất ngắn hạn phổ biến ở mức 18,42%/năm, trung và dài hạn 21,85%/năm.

Báo cáo của Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết tính đến ngày 16-4, số dư vốn huy động của các ngân hàng đã giảm 9.225 tỷ đồng.

Thạc sĩ CẨM VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm