Sẽ mua lúa theo giá thị trường

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng đã phát biểu như trên tại hội nghị giao ban các tỉnh Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long tại Đồng Tháp sáng 25-9.

Bình đẳng giữa doanh nghiệp và nông dân

Đây là một tin vui lớn cho hàng triệu người trồng lúa, cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo.

Từ trước đến nay, việc xuất khẩu mặt hàng chiến lược gạo cứ theo cơ chế phân bổ chỉ tiêu nên vấp phải không ít phản ứng từ các tỉnh có sản lượng lúa lớn như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp. Việc phân bổ này đôi lúc chưa đi sát với thực tế sản xuất. Nhiều tỉnh có sản lượng lúa lớn vẫn không bán được do bị hạn chế về chỉ tiêu số lượng.

Từ đó dẫn đến lúa ở nhiều tỉnh bị tồn ứ và đôi lúc doanh nghiệp bị kêu ca là ép giá lúa của nông dân. Mà điều này thì chưa thực sự bình đẳng bởi doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu lúa gạo đều làm ăn theo cơ chế thị trường. Tức là giá thu mua tùy thuộc vào biến động của thị trường thế giới và chất lượng gạo.

Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, tới đây các doanh nghiệp sẽ không phải mua lúa dựa trên giá thành sản xuất mà doanh nghiệp chỉ cần mua theo giá thị trường. Còn giá thành sản xuất lúa của nông dân thì đã có Chính phủ can thiệp bằng việc hỗ trợ nông dân trong thời điểm thị trường rớt giá. Việc này đồng nghĩa với việc thu mua và xuất khẩu gạo theo luật chơi của thị trường, tạo bình đẳng giữa nông dân và doanh nghiệp.

Tạo thương hiệu cho hạt gạo

Tuy nhiên, để người dân không bị bỡ ngỡ trước việc thay đổi cơ chế xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh, nông dân muốn bán được lúa với giá cao theo thị trường thì nhất thiết phải trồng lúa có chất lượng cao. Đồng thời, các tỉnh cần đẩy nhanh công tác xây dựng thương hiệu cho hạt gạo. Bởi nếu gạo không có thương hiệu thì xuất bán ra nước ngoài với giá cao cũng rất khó.

“Mô hình một lúa - một tôm ở tỉnh Sóc Trăng sản xuất theo hướng hữu cơ như thế là rất tốt cho việc trồng một giống lúa đặc chủng, xây dựng thương hiệu nơi đây là rất lý tưởng. Hoặc như mô hình liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu lúa Nhật ở Công ty Kitoku (An Giang) cũng rất hay, nông dân rất có lời, chúng ta cần suy ngẫm để phát triển” - Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh.

Theo các đại biểu tham dự hội nghị, ngoài việc nông dân tuân thủ khâu chọn giống cho vụ mùa và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo, khâu cơ giới hóa trong thu hoạch, phơi sấy cũng cần được đẩy mạnh. “Điều này là hoàn toàn đúng. Bởi ngoài việc sạ thưa, bón phân ít thì thu hoạch và phơi sấy bằng cơ giới sẽ giúp cho giá thành sản xuất lúa giảm đáng kể. Kết hợp với xây dựng thương hiệu sẽ giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững” - ông Lưu Phước Lượng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nói.

Xuất khẩu gạo khả quan hơn năm trước

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 25-9, cả nước đã xuất khẩu được 4,8 triệu tấn gạo, còn khoảng một triệu tấn đã ký hợp đồng chờ giao. Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay khả quan hơn nhiều so với năm 2008. Khả năng xuất khẩu đạt sáu triệu tấn gạo năm nay nằm trong tầm tay (chỉ tiêu Chính phủ giao là năm triệu tấn). Theo tính toán của Cục Trồng trọt, từ nay đến cuối năm cần phải giải quyết thu mua khoảng 2,4 triệu tấn lúa hàng hóa của hai vụ sản xuất thu đông và vụ mùa. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ chỉ có thể tăng thêm 200 ngàn tấn.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm