Sẽ lập sàn thương mại điện tử xuất khẩu hàng Việt sang EU

Sáng 30-6, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND TP.HCM đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả hiệp định EVFTA. Sắp tới bộ sẽ xây dựng và giới thiệu sàn thương mại điện tử với EU để đưa hàng hóa Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thị trường EU. Theo đó, trên sàn thương mại điện tử này sẽ tích hợp cung cấp đầy đủ các thông tin, công cụ điều hành của chính phủ điện tử trong đó.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sàn thương mại điện tử này sẽ kết hợp các công cụ tiếp cận khai thác thị trường thông qua công cụ xúc tiến thương mại, công cụ về xuất nhập khẩu điện tử. Đồng thời kết nối hàng loạt quy định về thương mại, đầu tư, công nghệ
Việc 89% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ rất thuận lợi để có thể khai thác những lợi thế của sàn thương mại điện tử, từ đó có những mức tăng trưởng đột biến tại thị trường EU.

  Lãnh đạo các bộ, ngành bấm nút khai trương Hệ thống cấp C/O điện tử để hàng hóa xuất khẩu đi EU thuận lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực. (Ảnh: QH)

Với hiệp định EVFTA, sau khi được ký kết và có hiệu lực thì nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường tiềm năng có dân số hơn 500 triệu người, GDP đạt đến 15.000 tỉ USD. Sản lượng nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp Việt hiện chỉ chiếm 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng nước ta còn rất nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này.
Để nắm bắt cơ hội và khai thác tốt thị trường EU, Việt Nam phải đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, hướng sâu vào nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói… “Trong thời gian tới, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT sẽ cùng phối hợp với các bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU để kịp thời có các hướng dẫn giải đáp về quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn sản phẩm của EU để các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu thị trường này” - Bộ trưởng nói.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết EU hiện là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Đây cũng là thị trường xuất siêu truyền thống của TP.HCM, là đối tác xuất khẩu lớn thứ ba, đối tác nhập khẩu lớn thứ hai của thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sang EU đạt gần 2,3 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU về TP.HCM đạt gần 1,3 tỉ USD. Riêng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang EU trong nửa đầu năm nay đã đạt khoảng 313 triệu USD.

Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, thực thi hiệu quả EVFTA. Ảnh: QH

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định sản xuất, tiếp cận và mở rộng các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại như EVFTA, theo ông Phong, TP.HCM đã tổ chức các hội thảo, hội nghị để tuyên truyền các nội dung của hiệp định.
Thứ hai, TP đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho doanh nghiệp như tổ chức đoàn khảo sát thị trường, tham gia các hội chợ trong và ngoài nước…
“TP.HCM đang tập trung xây dựng đề án phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng 2030 theo hướng chuyển dịch sang dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu. TP.HCM sẽ là trung tâm cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu cho các tỉnh thành phía Nam. Bên cạnh đó, TP sẽ cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng xuất khẩu các sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao như phần mềm, sản phẩm nội dung số… Ngoài ra, TP cũng sẽ có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế” - Chủ tịch TP.HCM chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm