Sẽ đến lúc 'tiền tài không phải là tất cả'!

Aymeril Hoang là giám đốc đổi mới sáng tạo của tập đoàn tài chính quốc tế Société Générale. Tập đoàn này có 150.000 nhân viên trên toàn thế giới với mức thu nhập cao.

Nhưng chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số hóa - Thế giới không chờ chúng ta” ngày 23-10, Aymeril Hoang nói: “Công việc ổn định hằng ngày đang biến mất dần đi”.

Tương lai không phải thế này

Nhớ lại 15 năm trước khi sống ở Hà Nội, Aymeril Hoang, người không ngại ngần về nguồn gốc con lai của mình, nói: “Đi xe ôm lúc đó cũng hơi khó, vì phải mặc cả, giá thì đắt, người chạy xe ôm không biết địa chỉ tôi muốn đến. Tôi đã phải mua xe máy để tự chạy. Còn giờ thì đã có cả Uber, Grab Bike. Chỉ cần mất 10 giây, tôi đã biết đường đi và giá cả. Rất thoải mái. Những giao dịch như vậy trở nên hết sức nhanh chóng và thuận tiện”.

Nói về những tiến bộ trong kinh tế số hóa, Aymeril Hoang nói rằng những khóa học online đã giúp cho những người mà thời gian hành chính chỉ biết dành cho công việc. Phẫu thuật mắt đã sử dụng đến máy móc và đó là kết quả của cả 15 năm nghiên cứu tự động hóa trong lĩnh vực này.

Sau khi điểm qua những sự “trì trệ” của sáng tạo trong thế kỷ trước và những thập niên trước đây, ngoại trừ âm nhạc, điện ảnh, Aymeril Hoang nói: “Phương pháp nâng cao năng suất đã gần như tới hạn và tương lai thuộc về sáng tạo”.

Aymeril Hoang: "Không biết 20 năm nữa tôi sẽ kiếm sống thế nào". Ảnh: CHÂN LUẬN

Lấy câu chuyện của bản thân mình, Aymeril Hoang nói: “Không biết 20 năm nữa tôi sẽ kiếm sống thế nào. Nghĩ vậy nên tôi làm những việc điên rồ. Hai năm qua tôi giảm chi tiêu vì thấy rằng chẳng cần quần áo, xe cộ đắt tiền, nhà cửa”.

Aymeril Hoang đã cắt hết các khoản chi tiêu cho những nhu cầu ấy để học tập và thích nghi với kinh tế số hóa. Thấy nhân viên trong tập đoàn đang sống tốt với lương cao nhưng vẫn cố gắng kiếm thêm thật nhiều tiền, phấn đấu cho vị trí mới, Aymeril Hoang nói mình không cần làm những điều đó.

“Chúng ta không biết tương lai thế nào. 20 năm nữa, chúng ta không biết được là lúc đó nghèo đói sẽ ra sao, công việc sẽ thế nào; chúng ta có giữ được tài sản một cách an toàn không… Đó là những vấn đề” - Aymeril Hoang nói.

Aymeril Hoang cho biết những khách hàng siêu giàu của Tập đoàn Société Générale cũng đều biết tài sản, tiền bạc hiện nay không an toàn và không phải là những thứ tài sản bền vững.

“Tất cả chỉ cần một cú click chuột” - Aymeril Hoang nhấn mạnh nhiều lần câu này khi nói về những thay đổi trong thời kỳ số hóa hiện nay.

Kinh tế số hóa Việt Nam đang đi lùi

Còn GS Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng, nói: “OECD đã khảo sát và chỉ ra rằng 65% con em chúng ta sinh ra trong thời gian này sẽ không làm những việc chúng ta đang làm. Vậy thế giới sẽ đi về đâu và chúng ta phải làm gì?”.

GS Nguyễn Đức Khương: Kinh tế số hóa là không thể đảo ngược. Ảnh: CHÂN LUẬN

Kinh tế số hóa, theo GS Nguyễn Đức Khương, đang thẩm thấu và làm cho cuộc sống chuyển mình, thay đổi mỗi ngày.

“Xu hướng kinh tế số hóa là không thể quay ngược trở lại. Bởi hiện tại kinh tế số hóa đang giúp các quốc gia tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn lực, giảm chi phí tìm ra mô hình kinh tế mới vượt trội và tạo ra những sản phẩm mới cho người tiêu dùng” - GS Khương nhận định.

Đối với Việt Nam, GS Khương nói: “Chúng ta không nên để thế giới chờ chúng ta! Phải tăng tốc, bắt kịp và trở thành các quốc gia có kinh tế số phát triển của thế giới”.

Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành lĩnh vực đầu tư công nghệ, Quỹ VinaCapital, đưa góc nhìn của doanh nghiệp và nhận định: “Kinh tế số hóa đang phát triển và những người học lập trình có thể kiếm được việc tốt”.

Ông Thân Trọng Phúc: "Kinh tế số hóa Việt Nam đang đi thụt lùi". Ảnh: CHÂN LUẬN

Tuy vậy, theo ông Phúc, thực tế thì kinh tế số hóa của Việt Nam đang đi thụt lùi. Dẫn một nghiên cứu của ĐH Harvard, ông Phúc cho hay Việt Nam được xếp hạng 115 về kinh tế số hóa. Nhưng năm 2014, Việt Nam đứng thứ 114 và năm trước nữa thì đứng thứ 90.

“Việt Nam tuy là nước đột phá (breakout) về kinh tế số hóa vì bắt đầu từ vị trí thấp nhưng những chỉ số gần đây cho thấy Việt Nam thực tế đang đi thụt lùi".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm