MỸ:

Sẽ có “biến chứng” sau "ca đại phẫu thuật phố Wall"?

Gần hai năm sau vụ khủng hoảng tài chính tại Mỹ, với sự sụp đổ hàng loạt đại gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, ngày 21/7/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thành luật các quy định cải tổ sâu rộng chế độ tài chính để ngăn ngừa tái diễn một vụ khủng hoảng tương tự trong tương lai. Đây được coi là một cuộc đại phẫu thuật lớn nhất đối với phố Wall kể từ sau cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước đến nay.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng ca phẫu thuật này của chính quyền Obama vẫn có nhiều khả năng tạo ra những "biến chứng hậu phẫu thuật", có nghĩa là nó không những không ngăn được việc tái diễn khủng hoảng mà thậm chí còn gây thêm rủi ro cho thị trường tài chính và thêm tốn kém cho giới tiêu thụ.

Trước đó, với 60 phiếu thuận, 39 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 15/7 đã thông qua luật cải cách tài chính, dày hơn 2.300 trang, được đúc kết sau gần hai năm thảo luận và tranh cãi gay go. Còn được gọi là đạo luật Dodd - Frank, theo tên hai tác giả chính là Thượng nghị sĩ Christopher Dodd và Dân biểu Barney Frank, văn kiện này đã được hạ viện Mỹ tán đồng cuối tháng 6/2010 với 237 phiếu thuận và 192 phiếu chống. Điều luật cải cách phố Wall được coi là món quà quý giá thứ hai mà lưỡng viện Mỹ tặng cho Tổng thống Obama sau thắng lợi của luật cải cách hệ thống bảo hiểm y tế vào tháng 3/2010.

Phát biểu sau khi ký ban hành thành luật ngày 21/7, ông Obama cho biết: "Các biện pháp cải tổ sẽ ngăn chặn các loại giao dịch mờ ám dẫn đến tình trạng khủng hoảng này, từ đó không bao giờ khiến những người dân đóng thuế phải gánh chịu các hậu quả tai hại vì những lỗi lầm của phố Wall một lần nữa".

Tuy nhiên nhiều câu hỏi được đặt ra lúc này là tại sao cho đến bây giờ, Quốc hội Mỹ mới thông qua một đạo luật tối cần thiết như vậy và liệu rằng đạo luật này có thực sự bảo vệ được giới tiêu thụ và ngăn ngừa những rủi ro phát sinh từ lề lối kinh doanh của các ngân hàng hay không?

Về khả năng ngăn ngừa của đạo luật mới này, theo giới chuyên môn, sau mỗi đợt khủng hoảng, các chính trị gia đều tìm cách sửa luật và có khi lại gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng khác mà cả chục năm sau người ta mới nhận thấy. Cụ thể, đạo luật vừa thông qua không đề cập tới lý do sâu xa của khủng hoảng tài chính trước đó là khuyến khích những người không có khả năng trả nợ vay tiền của các ngân hàng để tiêu dùng. Nhưng điều đáng nói là chính chính quyền Mỹ đã khuyến khích việc ấy. Còn giới ngân hàng chỉ nương theo đó kiếm lời.

Một nguyên nhân khác của vụ khủng hoảng tài chính là thói quen vay tiền quá khả năng, nói trắng ra là làm giàu bằng tiền của người khác. Luật lệ thuế khóa của Mỹ thực tế khuyến khích việc đó. Đạo luật này hoàn toàn bỏ qua khía cạnh thuế khóa đó. Đạo luật lập ra một hội đồng 10 người có nhiệm vụ theo dõi để ngừa rủi ro tài chính, thực tế thì có thẩm quyền khuyến cáo Ngân hàng Trung ương và thảo ra luật lệ kinh doanh tài chính.

Theo các nhà phân tích, việc dự báo khủng hoảng là điều không dễ, còn làm luật để can thiệp thì dễ hơn và dễ xảy ra hơn, khiến hệ thống tài chính càng bất ổn hơn. Nhu cầu bảo vệ giới tiêu thụ trước các dịch vụ tài chính dẫn đến việc lập ra một cơ quan trong Ngân hàng Trung ương nhưng lại có quyền hạn khá độc lập trong định chế này. Hậu quả khó lường của một thiện chí chính đáng sẽ là tạo thêm một vòng kiểm soát ngân hàng, khiến các ngân hàng hạn chế cho vay vì sợ bị trách nhiệm, hoặc cho vay với lãi suất cao hơn, lệ phí nặng hơn.

Sau cùng, trong một đạo luật dài tới 2.300 trang, người ta có thể gài nhiều chi tiết mà khi áp dụng thiên hạ mới chưng hửng vì hiện tượng gọi là "hậu quả bất lường". Một trong những hậu quả đó là gây thêm rủi ro cho thị trường tài chính và thêm tốn kém cho giới tiêu thụ. Giới quan sát nhận định, phe Dân chủ phải ráo riết thông qua đạo luật này để lập thành tích trước khi dân chúng đi bầu quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 tới. Nhưng có khi đạo luật này sẽ làm họ thất cử nặng hơn, nếu cử tri hiểu ra nội dung của đạo luật.

Sẽ có “biến chứng” sau "ca đại phẫu thuật phố Wall"? ảnh 1

Phố Wall trong ngày đầu áp dụng điều luật mới

Trong khi đó, phe Cộng hòa vững tin rằng trong tình hình chưa có đủ việc làm và tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn cao như hiện nay thì cử tri Mỹ sẽ chưa có cảm tình và tin tưởng vào chủ trương lớn của chính quyền, với những can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế. Những người Cộng hòa chống đối cho rằng, vai trò can dự quá mạnh của nhà nước sẽ khiến nhiều hoạt động và việc làm trong lĩnh vực tài chính chuyển ra nước ngoài.

Việc cải tổ tài chính mới được Tổng thống Barack Obama ký thành luật đang được sự chú ý của lãnh đạo nhiều ngân hàng lớn nhất của Mỹ. Những người này đang quan ngại về ảnh hưởng có thể có của những thay đổi đối với lợi nhuận của các ngân hàng. Những ngân hàng lớn khác cảnh báo trong thời gian qua, các nhà đầu tư ít năng động vì sợ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và tính không ổn định của thị trường tài chính. Tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều doanh nghiệp và người tiêu thụ không vay được ngân hàng, làm tổn hại cho việc sản xuất của kinh tế nước Mỹ.

Giang Khuê tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm