SCIC lương thực lãnh chỉ còn 36,4 triệu đồng

Tiếp tục giải trình rõ về lương, thưởng, thu nhập của lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng như những tồn tại trong hoạt động kinh doanh của siêu doanh nghiệp này, ngày 15-12, trong buổi giao ban lãnh đạo các cơ quan báo chí, Phó Tổng Giám đốc SCIC Hoàng Nguyên Học đã xin được trình bày thêm.

Theo ông Học, mức thu nhập của lãnh đạo SCIC 78,5 triệu đồng/tháng trong năm 2008 mà Kiểm toán Nhà nước nêu thực ra là tổng thu nhập chưa nộp thuế, bao gồm: tiền lương tháng 49,3 triệu đồng; lương và thưởng được điều chỉnh tăng thêm do vượt kế hoạch doanh thu 15,7 triệu đồng; các khoản lương, chi làm thêm giờ của năm 2007 nhưng trả vào quý I-2008 là 5,9 triệu đồng; các khoản làm thêm giờ, tiền đồng phục, tiền khoán sử dụng điện thoại 6,1 triệu đồng và tiền thưởng, ăn trưa trích từ quỹ phúc lợi 1,5 triệu đồng.

Tăng lương dựa trên kế hoạch doanh thu

Đến tháng 7-2009, khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc và có ý kiến không tán thành một số khoản lương, thưởng, ban lãnh đạo SCIC mới tự động cắt toàn bộ khoản tăng lương, thưởng cũng như tiền làm thêm giờ của năm 2008. Như thế, thu nhập của lãnh đạo trong năm 2008 chỉ còn 49,3 triệu đồng/tháng (cao hơn một chút so với mức được duyệt là 40 triệu đồng/tháng). Sau khi nộp thuế, thực lãnh chỉ còn 36,4 triệu đồng.

SCIC lương thực lãnh chỉ còn 36,4 triệu đồng ảnh 1

Một lễ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa tập đoàn điện lực Việt Nam và SCIC. Ảnh minh họa: TTXVN

Lãnh đạo SCIC cũng thừa nhận là qua báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có ba vấn đề tồn tại. Thứ nhất, tổng công ty chưa cung cấp đầy đủ và phân tích cụ thể số liệu, tình hình cho đoàn kiểm toán, dẫn tới không phân định được thu nhập để tính thuế thu nhập cá nhân. Thứ hai, quỹ lương được phê duyệt là với quy mô 180 lao động. Thực tế SCIC chỉ có 130 cán bộ, nhân viên nhưng vẫn xài cả quỹ đó. Sau khi Kiểm toán Nhà nước có ý kiến, SCIC đã điều chỉnh giảm quỹ lương 2008 đi 3,8 tỉ đồng. Thứ ba, việc chi trả tiền lương làm thêm giờ trong một số trường hợp vượt quá quy định.

Lợi nhuận thấp do đâu?

Vấn đề dư luận quan tâm là tính kinh tế, tính hiệu quả trong hoạt động của SCIC có tương xứng với mức lương chi trả cho lãnh đạo cũng như nhân viên tổng công ty. Giải trình, Phó Tổng Giám đốc Hoàng Nguyên Học dẫn ra một phần kết luận kiểm toán: “Qua hơn hai năm hoạt động, SCIC đã bước đầu thực hiện có hiệu quả cơ chế mới về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển từ phương thức cấp phát vốn sang đầu tư và kinh doanh vốn... Vốn đầu tư dàn trải tại nhiều doanh nghiệp đã bước đầu tập trung về một mối, tạo điều kiện cho tích tụ và tập trung vốn đầu tư của nhà nước”.

Tuy nhiên, lượng hóa hiệu quả kinh tế đó thì năm 2008, tỉ suất lợi nhuận trước thuế tính trên vốn chủ sở hữu của SCIC chỉ đạt 12,4% - kết quả khá thấp. Ông Học giải thích, tỉ suất thấp là bởi SCIC mới bước đầu nhận chuyển giao doanh nghiệp nhà nước từ các bộ ngành, địa phương, trong đó tới 87% quy mô nhỏ, vốn điều lệ bình quân chưa đến 10 tỉ đồng. Gần một nửa số doanh nghiệp này chỉ đạt lợi nhuận dưới 10% và khá nhiều đơn vị còn thua lỗ...

Lương ai cao nhất?

Bằng công văn “xin được làm rõ thêm” gửi tới các cơ quan báo chí hôm 14-12, Bộ Tài chính đã khẳng định bốn thành viên kiêm nhiệm trong HĐQT SCIC gồm bộ trưởng và một thứ trưởng Bộ Tài chính, một thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một thứ trưởng Bộ Công thương chỉ được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm theo quy định nhà nước ở mức 1,4 triệu đồng/tháng với năm 2007 và 2,18 triệu đồng/tháng trong năm 2008 (đã trừ thuế thu nhập cá nhân).

Như vậy, chiếu theo danh sách ban lãnh đạo SCIC và kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì số người được hưởng thu nhập 78,5 triệu đồng/tháng chỉ còn bốn người, gồm Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trần Văn Tá, Phó Tổng Giám đốc Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng Giám đốc Lê Song Lai và Trưởng ban Kiểm soát Nguyễn Quốc Huy.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm