Sau vụ nữ khách VIP mất 245 tỉ: Kiểm soát chặt cán bộ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Văn bản số 1126 gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD) yêu cầu nghiêm túc triển khai, thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD.

Thứ nhất: Các TCTD phải chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11-10-2017 về tăng cường phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính và các chỉ đạo của NHNN liên quan đến giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, an toàn, bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch.

Thứ hai: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ đảm bảo ban hành đầy đủ các quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Thứ ba: Phổ biến, quán triệt, triển khai tới tất cả đơn vị của TCTD, các cán bộ nghiệp vụ để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, đào tạo nâng cao kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật cho cán bộ, nhân viên của TCTD.

Thứ tư: Đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Thứ năm: Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra đối với TCTD. Thực hiện tốt công tác truyền thông để khách hàng nắm, tuân thủ các quy định, quy trình, bảo mật thông tin khách hàng và thực hiện các giao dịch tại TCTD đúng quy định.

Thứ sáu: Tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của TCTD.

Thứ bảy: Kịp thời báo cáo NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng khi xảy ra các vụ việc sai phạm, các vi phạm quy định của pháp luật; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Khách hàng đang giao dịch tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Ảnh: TL

Trước đó, bà Chu Thị Bình đã rất bàng hoàng khi phát giác số tiền 245 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Chi nhánh TP.HCM đã “không cánh mà bay”. Thế nhưng đã hơn một năm kể từ ngày phát hiện tài sản biến mất, đến nay bà Bình vẫn chưa biết khi nào mới lấy lại được tài sản của mình.

Ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank, nói: “Chúng tôi hoàn toàn hiểu những bức xúc của bà Bình bởi đây là số tiền rất lớn và vụ việc đã kéo dài cả năm nay. Nhưng ban điều hành cũng như HĐQT của Eximbank không thể giải quyết vụ việc chỉ dựa trên kết luận điều tra được. Kết luận của cơ quan điều tra về mặt pháp lý không phải là phán quyết cuối cùng. Do vậy, hai bên cần sớm phối hợp để đưa vụ việc ra tòa thực hiện theo đúng trình tự tố tụng. Khi tòa án có phán quyết ngân hàng có trách nhiệm trả số tiền này thì chúng tôi sẽ trả ngay”.

Trong khi đó, bà Chu Thị Bình bức xúc cho biết bà đã nhiều lần đề nghị Eximbank trả lại tiền song chờ hơn một năm mà vẫn không được trả. Nay Eximbank vẫn tiếp tục đề nghị bà chờ tới khi có phán quyết của tòa án.

“Đến nay cơ quan điều tra đã có văn bản thông báo cho tôi rằng Eximbank có trách nhiệm trả lại tiền nhưng ngân hàng này chưa thực hiện, nói chờ phán quyết của tòa án là cố tình kéo dài thời gian vụ việc. Tôi là người gửi tiền vào Eximbank và không gửi tiền cho nhân viên ngân hàng này. Vậy tại sao họ không trả lại tiền mà phải chờ đợi phán quyết của tòa án?” - bà Bình đặt vấn đề.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, cũng nêu quan điểm: Trong trường hợp này, khách hàng không ủy quyền cho người lạ mà họ ủy quyền cho cán bộ lãnh đạo Eximbank Chi nhánh TP.HCM theo chính sách chăm sóc khách hàng VIP. Đồng thời, đây cũng là giao dịch thể hiện thẩm quyền trách nhiệm của pháp nhân.

Chính vì thế, cho dù người của ngân hàng phạm tội tham ô hay lừa đảo thì sai phạm này đương nhiên phải thuộc về phía ngân hàng. Trên nguyên tắc như thế thì ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả bồi thường cho khách hàng mà không cần chờ đến khi có kết luận của tòa mới thực hiện.

“Nếu không thể quy trách nhiệm cho ngân hàng trong những trường hợp tương tự thì dù là khách VIP hay khách thường, thực hiện giao dịch dưới bất kỳ hình thức nào, khách hàng đều có thể đối diện với nguy cơ mất tiền” - ông Đức nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm