Sau Món Huế, các thương hiệu 'anh em' cũng ngậm ngùi đóng cửa

Trong những ngày qua, nhiều nhà cung cấp thực phẩm và vật dụng văn phòng, điện tử... tố cáo nhà hàng Món Huế (thuộc Công ty Huy Việt Nam) chậm trả công nợ và lãnh đạo cắt liên lạc với các nhà cung cấp, hàng loạt cửa hàng từ Nam ra Bắc đều tạm dừng hoạt động.

Không chỉ thế, theo khảo sát của phóng viên, từ ngày 23-10 nhiều hệ thống cửa hàng "anh em" khác thuộc Công ty Huy Việt Nam tại TP.HCM cũng tạm ngưng hoạt động.

Huy Việt Nam có chín thương hiệu, bao gồm Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Phở 99, Great Bánh mì và Cà phê, Iki Sushi, Shilla Korean BBQ Grill, TP Tea, Mì quảng Bếp Tâm. Công ty này có ba hình thức cửa hàng: cửa hàng đơn lẻ một thương hiệu (hình thức này khá hiếm trừ TP Tea), cửa hàng tích hợp Món Huế cùng 1-2 thương hiệu khác (hình thức phổ biến nhất như Món Huế sẽ đi cùng Phở Hùng), cuối cùng là Food Hall tích hợp sáu thương hiệu chính (Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Bánh mì và Cà phê, Iki Sushi, Shilla Korean BBQ Grill) - hình thức này ra đời sau cùng và cũng không nhiều.

Theo quan sát của chúng tôi, tại quận 1, quận 3, quận 2... (TP.HCM), nhiều cửa hàng Phở Hùng, TP Tea cũng im lìm sau cơn bão của đàn anh Món Huế. Nhiều hệ thống cửa hàng tích hợp với Món Huế, trong đó có cả Food Hall, cũng chỉ còn mỗi nhân viên bảo vệ hoặc cửa hàng trong tình trạng dán bảng cho thuê mặt bằng.

Tại đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM) cửa hàng tích hợp giữa Món Huế và Phở Ông Hùng cũng đã đóng cửa gần một tháng nay, tức trước thời gian bị các nhà cung cấp tố chậm trả công nợ. 

Cửa hàng Food Hall tích hợp 6/9 thương hiệu cũng không còn ai lui tới ngoài bảo vệ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hay trên đường Ngô Đức Kế (quận 1), cửa hàng Food Hall tích hợp 6/9 thương hiệu bao gồm Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh Mì và Cà phê, IKI Shusi, Shilla Korean BBQ Grill không còn ai lui tới ngoài bảo vệ.

Sở hữu hai mặt bằng giữa vòng xoay Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng tấp nập người qua lại nhưng căn nhà hai tầng nơi bán Món Huế và Phở Hùng lại trở nên tối tăm và bao vây bởi biển báo "Công trình tạm ngưng để sửa chữa".

Sở hữu mặt bằng đẹp, tuy nhiên Phở Ông Hùng và Món Huế tại vòng xoay Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng cũng đóng cửa im lìm. Ảnh: Thu Hà

Cửa hàng trà sữa nhượng quyền từ Đài Loan - TP Tea cũng bị liên đới khi cửa hàng TP Tea ở đường Ngô Đức Kế và cửa hàng tại Cô Bắc đều đang đóng cửa.

Không chỉ cửa hàng, các website của Món Huế, Cơm thố cháy, Great Bánh mì và Cà phê, Iki Sushi, Phở Ông Hùng, Phở 99 cũng không thể truy cập, các website trả lại kết quả trang website hết hạn hoặc đã không còn hoạt động.

Ảnh chụp màn hình 4/6 thương hiệu webiste dừng hoạt động. Ảnh: Thu Hà

Như vậy webiste của 6/9 thương hiệu đã dừng hoạt động, trong đó website của Shilla Korean BBQ Grill còn hoạt động, Mì Quảng Bếp Tâm cùng TP Tea không có trang webiste chỉ có fanpage trên Facebook, tuy nhiên hai fanpage này cũng không có cập nhập gì thêm từ giữa tháng 10 tới nay.

Động thái trên khiến nhiều người dùng nghi ngại, liệu nếu không vượt qua được khủng hoảng này, Huy Việt Nam có dần biến mất tại thị trường Việt Nam?

Theo một chuyên gia kinh tế, sự thất bại của Món Huế nói riêng là do họ quá tham xây dựng một không gian lớn và đặt nhà hàng tại những nơi có giá thuê quá đắt đỏ. Đồng thời không nhanh chóng đi theo thị hiếu của khách hàng, khiến sức hấp dẫn ẩm thực của Món Huế nhạt dần so với xu hướng mới nổi khác.

Ở góc độ đánh giá về thị trường ngành F&B (ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống), bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, cũng nhận định thị trường thực phẩm và dịch vụ ăn uống có ít rào cản gia nhập nhưng tốc độ đào thải nhanh nên vẫn là một thách thức với những doanh nghiệp muốn chinh phục. “Người Việt sẵn sàng trải nghiệm những dịch vụ ăn uống mới, tuy nhiên lại chóng chán. Do đó để duy trì được sự thành công phải luôn linh hoạt trong phát triển sản phẩm và dịch vụ” - bà Vân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm