Sau gạo cấp thấp, Việt Nam bắt đầu mua gạo cao cấp Ấn Độ

Cụ thể, ông Madan Prakash, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp Ấn Độ (ACEA), cho biết Việt Nam đang mua gạo 5% tấm của Ấn Độ. Đây là loại gạo cao cấp nhất với mức giá từ 410-420 USD/tấn.

"Sau khi mua gạo cấp thấp 100% tấm của Ấn Độ nhằm mục đích sản xuất thức ăn chăn nuôi, giờ đây Việt Nam bắt đầu mua gạo chất lượng tốt hơn để phục vụ nhu cầu trong nước" - ông Madan Prakash nói.

Ông Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (TREA), cũng cho hay Việt Nam đang mua khoảng 1.000 tấn gạo Ấn Độ mỗi tháng.

Trong báo cáo mới phát hành, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thông tin Việt Nam mua gạo 100% tấm của Ấn Độ với giá 310 USD/tấn, giá này thấp hơn với giá gạo 100% tấm của Việt Nam hiện bán trên thị trường là 440 USD/tấn.

Từ tháng 12-2020 đến tháng 1-2021, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 65.000 tấn gạo 100% tấm từ Ấn Độ, với mục đích chế biến mì gạo, bột, nấu bia và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Trước đó hồi tháng 1-2021, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), xác nhận đúng là lần đầu tiên VN nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, nhưng không có gì ngạc nhiên.

Bởi lẽ khi các doanh nghiệp cần nguyên liệu chế biến thì ở đâu bán giá rẻ, giá thấp hơn nơi khác thì họ mua. Mặt khác, nguồn tấm dạng chất lượng thấp để làm thức ăn chăn nuôi thì gần như VN không có, vì vài năm nay ngành lúa gạo đã chuyển đổi sang sản xuất gạo chất lượng cao.

“Loại gạo 100% tấm của VN xuất khẩu hiện cũng có giá 450 USD/tấn, cao hơn tấm Ấn Độ tới 140 USD/tấn. Vì vậy, nguồn tấm Ấn Độ giá thấp sẽ được các công ty VN có nhu cầu lựa chọn” - ông Kiên lý giải.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, cũng cho rằng không bất ngờ trước thông tin VN nhập gạo tấm từ Ấn Độ. Lý do là gạo tấm trong nước bán giá cao, nguồn cung không đủ bán. Còn tấm Ấn Độ nhập về giá rẻ hơn nên các công ty mua để làm thức ăn chăn nuôi. Đây là câu chuyện bình thường của thị trường.

“VN là nước xuất khẩu gạo nhưng không có nghĩa không cần nhập khẩu gạo. Nhiều loại gạo nước ngoài như gạo Thái Lan, Campuchia hay nếp Lào… cũng được nhập vào nước ta bằng nhiều đường, dễ dàng tìm mua trên thị trường trong nước. Lý do là người Việt có nhu cầu ăn, họ thích lựa chọn đa dạng nhiều loại gạo” - ông Long phân tích.

Business Line

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm