Sau 25 năm, lần đầu tiên xuất khẩu dệt may giảm

Báo cáo của Bộ Công Thương vừa công bố cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục khởi sắc. Đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nền kinh tế

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2020 ước tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, IIP ước tăng 3,1% so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 4,7%.

Tuy nhiên, về tình hình sản xuất ở một số ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn còn khó khăn.

Cụ thể, nhóm hàng dệt may, da giày do dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại Mỹ và một số nước châu Âu. Điều này khiến việc sản xuất, xuất khẩu ngành này gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu cuối năm.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 11 tháng ước đạt 26,73 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác ước đạt 400 triệu USD, giảm 26,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại ước đạt 3,29 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ.

Người tiêu dùng mua bia ở siêu thị 

Theo Bộ Công Thương sau 25 năm tăng trưởng liên tục, có thể thấy lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giảm. Tuy nhiên, với việc khống chế dịch bệnh hiệu quả cùng với việc các DN trong ngành đã nhanh chóng triển khai thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh.

Chẳng hạn DN chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... sang  đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nên mức giảm của dệt may Việt Nam không lớn như các quốc gia khác.

Tương tự như ngành dệt may, sản xuất ngành da giày cũng bị tác động lớn dịch COVID-19. Dự báo từ nay đến cuối năm đầu ra của ngành da giày tiếp tục khó khăn vì phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và Châu Âu.

Tuy nhiên, sau hơn bốn tháng thực thi hiệp định EVFTA, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu có những chuyển biến tích cực. Hiệp định EVFTA sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách những tháng cuối năm 2020 và 2021.

Đối với nhóm sản xuất đồ uống, sản xuất kinh doanh của ngành gặp nhiều khó khăn do tác động dịch COVID-19. Chỉ số sản xuất của ngành này trong 11 tháng giảm 5,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, sản lượng sản xuất bia các loại tháng 11 ước đạt 402,2 triệu lít giảm 11,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với tháng trước tăng 3,1% do các công ty tăng cường sản xuất phục vụ nhu cầu trước, trong và sau tết. Tính chung 11 tháng, ước đạt 4,01 tỷ lít, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm