Sắp dẹp loạn giải thưởng doanh nghiệp

Hàng trăm hoạt động tôn vinh doanh nghiệp, trao giải thưởng cho doanh nghiệp tới đây có thể sẽ phải thay đổi nội dung, hình thức tổ chức. Thậm chí có thể có giải sẽ bị hủy bỏ vì nhà nước sắp ban hành quy chế quản lý các hoạt động tôn vinh, trao giải thưởng chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp.

Bản dự thảo quy chế lần thứ nhất đang được đưa ra lấy ý kiến người dân tại website Chính phủ. Báo Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn ông Đào Duy Nhân, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp (Ban Thi đua-Khen thưởng trung ương), một trong những thành viên của ban soạn thảo để làm rõ những nội dung của quy chế này.

Quy về một đầu mối, có hợp lý

. Có ý kiến cho rằng các đối tượng có thẩm quyền đứng ra tổ chức tôn vinh doanh nghiệp trong dự thảo là quá hẹp, thưa ông?

+ Một trong những mục tiêu của quy chế là xác định rõ đối tượng chịu trách nhiệm về hoạt động tôn vinh doanh nghiệp. Lấy ví dụ như các giải thưởng do cấp bộ tổ chức, bộ trưởng là người chịu trách nhiệm nhưng thực tế bộ trưởng sẽ chỉ định đơn vị tổ chức thực hiện hoặc có đơn vị dự định thực hiện rồi đề xuất lên bộ trưởng. Việc quy về một đầu mối chịu trách nhiệm như vậy là hợp lý, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước.

Giải thưởng dỏm, người tiêu dùng lãnh đủ

. Có ý kiến cho rằng nhà nước không nên can thiệp vào hoạt động tôn vinh doanh nghiệp. Trên cơ sở nào mà cơ quan chức năng ban hành quy chế này?

+ Khoản 2 Điều 101 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 quy định rõ ngoài các hình thức khen thưởng được quy định trong luật, các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền có thể tổ chức các giải thưởng khác nhằm nêu gương tốt trong lao động sản xuất, động viên phong trào thi đua. Nghĩa là ngoài hình thức khen thưởng ghi trong luật thì còn có thể có hình thức động viên. Đây là một trong những hình thức động viên đó. Hay nói cách khác, đây là một trong những quy định nhằm cụ thể hóa văn bản luật.

. Thực tế đã đòi hỏi nhà nước cần thiết phải ban hành quy chế này hay chưa?

+ Hiện nay có tình trạng loạn giải thưởng doanh nghiệp, loạn trao cúp, loạn tôn vinh doanh nghiệp, mạnh ai nấy làm, thích tổ chức thì tự ý tổ chức. Có nhiều giải thưởng mà trong đó ban tổ chức bình chọn doanh nghiệp theo kiểu mua cúp, thương mại hóa danh hiệu. Anh đóng góp nhiều tiền thì tôi cho anh cái cúp vàng, bao nhiêu tiền thì cúp này, cúp khác. Những giải thưởng kiểu như vậy dẫn tới việc mang tiếng là “giải thưởng chất lượng” mà sản phẩm, doanh nghiệp được bình chọn chưa chắc đã thực sự đảm bảo chất lượng. Ai sẽ là người “lãnh đạn”?

Trong thực tế, có một số đối tượng không xứng tầm mà vẫn đứng ra tổ chức giải thưởng có tên gọi tầm cỡ lớn. Ví dụ như một tờ báo chuyên ngành mà lập ra giải thưởng mang tên như “Trí tuệ Việt Nam”. Danh hiệu có tính chất khái quát về cả dân tộc mà anh sử dụng như vậy là không ổn rồi.

Trong một lần lấy ý kiến về quy chế này, một vị lãnh đạo nói: “Ban tổ chức một giải thưởng nọ đến mời tôi đi dự, khi đến nơi thì gặp mặt rất nhiều vị lãnh đạo khác. Thì ra ban tổ chức cố tình mời nhiều vị lãnh đạo cấp cao cùng đến, rồi mời lên trao giải thưởng. Rồi truyền hình quay phim, báo chí chụp ảnh, chuyển thông tin đến người dân cả nước và người dân cứ ngỡ rằng doanh nghiệp ấy được nhà nước khen thưởng, trong khi thực tế không phải như vậy”. Vị lãnh đạo này đề nghị với chúng tôi: “Tình trạng như thế phải cần chấn chỉnh”.

Nhằm hạn chế việc này, trong dự thảo quy chế đã quy định rõ với mỗi cuộc tôn vinh, trao giải chất lượng sản phẩm, ban tổ chức chỉ được phép mời một đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước thôi.

Chỉ trao giải cho doanh nghiệp đáng được tôn vinh

. Có ý kiến cho rằng quy chế này có vẻ khắt khe với việc tôn vinh doanh nghiệp quá, ông nghĩ sao?

+ Không nên hiểu ban hành quy chế này có nghĩa là cản trở việc tôn vinh doanh nghiệp. Chúng ta rất tôn trọng quyền họ được tôn vinh nếu thực chất họ đáng được tôn vinh nhưng phải tôn vinh theo đúng quy trình, đúng thẩm quyền, đúng tầm chứ không được làm tràn lan, lợi dụng danh hiệu, thương mại hóa danh hiệu.

Không đủ thẩm quyền: Phải chấm dứt trao giải

. Ở thời điểm hiện tại, có bao nhiêu hình thức tôn vinh doanh nghiệp tự phát, thưa ông?

+ Số liệu tổng hợp của chúng tôi cho thấy hiện nay, tại Việt Nam có hơn 100 hình thức tôn vinh doanh nghiệp. Quá nửa số danh hiệu, giải thưởng này là “có vấn đề”, không phù hợp với nội dung dự thảo quy chế hiện nay.

. Khi quy chế có hiệu lực thì số phận của những danh hiệu, giải thưởng “có vấn đề” đó sẽ ra sao?

+ Phải sửa đổi để phù hợp với các quy định. Nếu chưa đăng ký thì phải đăng ký việc tổ chức tôn vinh với cơ quan thi đua khen thưởng. Nếu không đủ thẩm quyền tổ chức thì đương nhiên những hoạt động đó phải bị chấm dứt. Nếu họ vẫn cố tình vi phạm thì có thể bị đình chỉ, tước danh hiệu.

. Xin cám ơn ông.

Ai được tổ chức giải thưởng?

Theo dự thảo, có ba cấp tổ chức giải thưởng, bao gồm quy mô cấp bộ, toàn quốc và phạm vi tổ chức có tính chất quốc tế. Thẩm quyền quyết định giải thưởng quy mô toàn quốc do Thủ tướng xem xét, phê chuẩn. Với giải thưởng cấp bộ, bộ trưởng có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cơ quan đứng ra tổ chức tôn vinh doanh nghiệp là cơ quan cấp bộ, UBND cấp tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể ở trung ương, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các tổ chức do Thủ tướng quyết định thành lập hoặc phê chuẩn điều lệ. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức, đơn vị tổ chức giải thưởng mới được tiến hành tổ chức, tuyên truyền các hoạt động của sự kiện.

Các doanh nghiệp tham gia giải thưởng bắt buộc phải có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng chất lượng được nhận cúp, giấy chứng nhận giải thưởng, đồng thời được nhận bằng khen về thành tích đóng góp vào sự phát triển của ngành, lĩnh vực được trao giải. Khi đó, các doanh nghiệp có quyền sử dụng, khai thác thương mại biểu trưng giải thưởng, được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.

Trích dự thảo Quy chế tổ chức tôn vinh danh hiệu

MAI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm