Rối rắm về “ngưỡng” xử phạt hàng giả

Những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… mà làm giả sẽ bị xử phạt rất nặng. Một người thực hiện nhiều hành vi thì sẽ xử phạt đối với từng hành vi. Đó là một trong những nội dung cơ bản của dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả vừa được đưa ra lấy ý kiến lần cuối tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả tổ chức tại TP.HCM hôm qua.

Chưa quy định thế nào là hàng giả

Theo ông Trần Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, hiện Bộ luật Hình sự có sáu điều (từ Điều 156 đến Điều 171a) và 16 nghị định về hàng giả và xử phạt hành chính đối với hàng giả ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào quy định rõ thế nào là hàng giả. Điều này dẫn đến việc áp dụng các quy định pháp luật về xử lý hàng giả thiếu thống nhất, thậm chí chồng chéo. “Cần phải có cơ sở pháp lý thống nhất, cụ thể về các dấu hiệu nhận biết hàng giả và xử lý hành chính các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả” - ông Dũng kiến nghị.

Rối rắm về “ngưỡng” xử phạt hàng giả ảnh 1

Nâng mức phạt về hàng giả, hàng nhái thì quyền lợi người tiêu dùng sẽ được đảm bảo hơn. Ảnh minh họa: TH

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Pháp chế - Cục Quản lý thị trường, cho biết trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, hành vi giả rất phức tạp và tinh vi. Vấn đề mà ban soạn thảo và các địa phương băn khoăn nhất là việc quy định cụ thể về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả công dụng. Hiện nay có hai luồng ý kiến:

- Thứ nhất: Có hai loại hàng hóa bị coi là giả về chất lượng và công dụng là hàng hóa không có giá trị sử dụng, hoặc giá trị sử dụng không đúng với bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hóa. Ngoài ra, hàng có giá trị sử dụng không đúng với công dụng theo quy chuẩn (hoặc tiêu chuẩn) đã công bố hoặc ghi trên bao bì.

- Thứhai: Hàng hóa có hàm lượng định lượng, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đạt dưới 50% so với quy chuẩn kỹ thuật, hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc ghi trên nhãn mác, bao bì đều bị coi là giả.

Nhiều ý kiến cho rằng sẽ oan cho nhiều nhà sản xuất vì thực tế nhà sản xuất vô tình sản xuất một lô hàng mà hàm lượng hàng hóa thiếu 1%-2% so với tiêu chuẩn đã công bố cũng bị xử lý giống như người vi phạm 100%. Nhưng phương án xử phạt dựa trên mức hàm lượng dưới 50% là thiếu căn cứ vì nếu cứ đạt trên 50% hàm lượng quy định thì “qua cửa” xử phạt.

Do đó, cần quy định cụ thể về từng mức vi phạm về hàm lượng để đưa ra mức xử phạt tương ứng, theo nguyên tắc vi phạm tới đâu xử lý tới đó.

Đại diện Công ty Nestley Việt Nam - thành viên Hiệp hội Chống hàng giả cũng cho rằng việc quy định xử phạt hành vi vi phạm về hàm lượng hàng giả dưới 50% là rất khó vì một số loại hàng hóa rất khó giám định. Hàm lượng dược chất trong thuốc Tây hiện nay không thể đo tại Việt Nam, do đó rất khó cho xử lý.

Làm giả hàng thiết yếu: Phạt đến 500 triệu đồng?

Theo dự thảo, mức xử phạt tối đa là 70 triệu đồng với hành vi vi phạm đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đối với hành vi sản xuất, buôn bán một số mặt hàng thiết yếu cần tăng mức xử phạt tối đa lên đến 500 triệu đồng, tương ứng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Đại diện Sở Khoa học Công nghệ TP Đà Nẵng cho rằng sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm hoặc thuốc tân dược là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác như: bình ổn giá, chỉ số CPI, mức tăng trưởng và các vấn đề sức khỏe người dân. Mức chế tài tối đa 70 triệu đồng không đủ răn đe, phòng ngừa vi phạm vì nguồn thu lợi bất chính từ mặt hàng thuốc tân dược là rất lớn. Do đó, phải tăng mức xử phạt lên đúng mức với hành vi vi phạm, tối đa là 500 triệu đồng như vi phạm về sở hữu trí tuệ.

Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp Cà Mau cho rằng nghị định cần quy định tăng mức xử phạt đối với người vận chuyển hàng giả. Khi phát hiện hàng giả thì chỉ tịch thu hàng hóa không người thừa nhận và xử phạt rất nhẹ đối với người vận chuyển. Do đó, cần quy trách nhiệm của người vận chuyển và xử phạt thật nặng, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở để trốn trách nhiệm khi người vi phạm không chịu nhận đó là hàng của mình. Đồng thời cũng tránh tình trạng ăn chia giữa người vi phạm và người xử lý vi phạm.

Trên thị trường xuất hiện tình trạng hàng giả, hàng không đúng công dụng ngày càng nhiều như rượu sản xuất bằng cồn và nước lã, đường làm từ cát, phân bón là đất… Một cơ sở pháp lý thống nhất, cụ thể về hàng giả và xử lý hành chính các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Các góp ý trên đây sẽ được tổng hợp báo cáo và trình Thủ tướng ban hành nghị định ngay trong tháng 10 tới.

THANH HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm