Rau quả nội thắng thế hàng Trung Quốc

Vài tháng trở lại đây, tại một số chợ đầu mối của TP.HCM, lượng rau củ quả Trung Quốc về chợ đã giảm. Trong khi đó, lượng rau củ quả trong nước tiêu thụ mạnh. Một số mặt hàng của Trung Quốc muốn bán được đã phải dùng chiêu đội lốt hàng Việt và đẩy giá lên theo sản phẩm Việt.

Lượng hàng Trung Quốc giảm mạnh

Theo Ban Quản lý chợ Bình Điền, tổng sản lượng rau quả nhập về chợ này 700 tấn/đêm, trong đó hàng Trung Quốc gồm bông cải trắng, tỏi, củ hành trắng chỉ khoảng 10 tấn/đêm, giảm 30% so với tháng trước. Hai tháng trở lại đây các mặt hàng trái cây về chợ mỗi đêm khoảng 160 tấn/đêm, trong đó táo, lê Trung Quốc chỉ chiếm 5%-6%. Các loại khác như mãng cầu, dưa hấu, cam sành, bưởi… chủ yếu được các tiểu thương chuyển về từ Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Một nhân viên vựa trái cây chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức cho biết mỗi đêm ở đây nhập về khoảng hai tấn trái cây Trung Quốc gồm lê, táo, quýt… Tuy nhiên, hiện nay lượng hàng đã giảm nhiều do các mối lái không chọn mua. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác là do mùa vải ở Hà Nội đang rộ nên các mối lái ít mua hàng Trung Quốc mà chuyển qua bán vải.

Tại chợ nông sản thực phẩm Hóc Môn, Ban Quản lý chợ cho biết mỗi đêm lượng hàng rau củ quả đổ về chợ này khoảng 1.800 tấn, trong đó hàng Trung Quốc chiếm khoảng 100 tấn. Đến nay, lượng hàng Trung Quốc nhập về mỗi đêm đã giảm khoảng 30-40 tấn so với vài tháng trước.

Rau quả nội thắng thế hàng Trung Quốc ảnh 1

Cà rốt và khoai tây Trung Quốc dễ đánh lừa người tiêu dùng biến thành hàng Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN

Ban Quản lý chợ Hóc Môn cũng cho biết các loại trái cây có mặt ở chợ này một phần là hàng Trung Quốc được lấy từ chợ Thủ Đức, số còn lại được lấy từ các nhà vườn hoặc vựa trong nước.

Nếu so sánh về giá cả thì hàng Trung Quốc có giá cao hơn hàng nội. Chẳng hạn, cà rốt Trung Quốc ở chợ Thủ Đức 14.000 đồng/kg, trong khi cà rốt Đà Lạt 11.000 đồng/kg.

Theo lý giải của anh Trần Văn Dương, tiểu thương vựa rau củ quả tại chợ Thủ Đức, hiện nay người tiêu dùng ít chuộng hàng Trung Quốc, chỉ có một số sản phẩm người tiêu dùng chấp nhận mua theo mùa. Chẳng hạn như mặt hàng cà rốt, trong khi cà rốt Trung Quốc chỉ tiêu thụ theo mùa từ tháng 6 đến tháng 11 thì cà rốt Đà lạt có quanh năm suốt tháng cùng với nguồn hàng dồi dào, giá thấp hơn nên hàng Trung Quốc không thể cạnh tranh được.

Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Không chỉ ở chợ đầu mối, tại các chợ lẻ nhiều tiểu thương cho biết hiện nay người tiêu dùng dè dặt với những sản phẩm của Trung Quốc mặc dù một số mặt hàng Trung Quốc có giá rẻ hơn. Đại diện Ban Quản lý chợ Bến Thành cho biết khi các phương tiện thông tin đại chúng nêu lên một số mặt hàng không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thì khách hàng không mua và tiểu thương cũng ít trưng bày hàng hơn.

Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt), cho biết hiện nay lượng rau củ quả Đà Lạt đang dồi dào góp phần làm giá cả giảm xuống đủ sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, dự đoán khoảng một tháng đến một tháng rưỡi nữa hàng Trung Quốc sẽ tràn vào vì đây là những tháng mưa, thời tiết thất thường khiến lượng hàng trong nước giảm và không dự trữ được nhiều. từ tháng 11, 12 trở đi tình hình sẽ được khôi phục.

Theo ông Thừa, lượng hàng rau củ quả Trung Quốc tiêu thụ giảm là do một số nguyên nhân nêu trên cộng với tâm lý người tiêu dùng đang có xu hướng quay về hàng Việt. Tuy nhiên, có một thực tế là thỉnh thoảng người tiêu dùng vẫn còn bị đánh đố khi hàng Trung Quốc  đội lốt hàng trong nước và bán với mức giá như hàng trong nước. Điển hình là khoai tây Trung Quốc có giá chỉ 8.000 đến 9.000 đồng/kg nhưng khi các tiểu thương cho “biến” thành hàng Đà Lạt thì lại bán đến mức 14.000 đồng/kg.

Để tránh hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Hiện nay, lượng hàng của HTX Rau Đà Lạt về một số chợ tại TP.HCM đã tăng 10% so với tháng trước. Vào mùa mưa (từ nay đến tháng 11) thì khoai tây chúng ta không cạnh tranh với hàng Trung Quốc được vì lúc này mùa mưa đến, sản lượng ít và chất lượng giảm… Cà rốt, khoai tây Trung Quốc là hai mặt hàng mà người tiêu dùng dễ bị đánh lừa khi đội lốt hàng Đà Lạt nên các cơ sở sản xuất cần phải có nhãn hiệu, thương hiệu, đóng gói bao bì với thông tin của mình…

Ông NGUYỄN ĐA, Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Rau Đà Lạt

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm