Ra mắt trung tâm hòa giải thương mại Sài Gòn

Ngày 22-8, Trung tâm hòa giải thương mại Sài Gòn (SGM) chính thức ra mắt,  trụ sở đặt tại 2A Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Hưng, cho biết ngày 4-7-2019, bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 10/BTP/GP về việc thành lập Trung tâm hòa giải thương mại Sài Gòn, tên giao dịch tiếng Anh SAIGON COMMERCIAL MEDIATION CENTER. Lĩnh vực hoạt động của trung tâm là hòa giải tranh chấp thương mại theo quy định của pháp luật.

Ngày 30-7-2019, Sở Tư pháp TP.HCM cũng đã ký giấy đăng ký hoạt động số 02/ĐKHĐ - HGTM của Trung tâm hòa giải thương mại Sài Gòn do luật sư Phạm Ngọc Hưng làm chủ tịch SGM.

Luật sư Hưng, Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại Sài Gòn, cho biết hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định.

Bên cạnh phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án, một trong các phương thức được các bên tranh chấp quan tâm lựa chọn là sử dụng phương thức hòa giải thương mại.

Theo ông Hưng, đây là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại có nhiều ưu điểm. Thứ nhất là có thủ tục đơn giản, linh hoạt, các bên tranh chấp có quyền tự quyết định việc giải quyết tranh chấp như lựa chọn hòa giải viên thương mại, trình tự, thủ tục, thời gian, địa điểm hòa giải... 

Thứ hai là việc giải quyết tranh chấp có thể giữ được bí mật kinh doanh. Vấn đề tranh chấp thông qua việc các bên có quyền đồng ý hoặc từ chối hòa giải, có quyền yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai. 

Các hòa giải viên thương mại của Trung tâm hòa giải thương mại SGM.

Đáng chú ý, để đảm bảo kết quả hòa giải được thực thi trên thực tế, cần phải có cơ chế đảm bảo thi hành kết quả hòa giải thành bằng cưỡng chế nhà nước.

Theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định văn bản về kết quả hòa giải thành, có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự và văn bản về kết quả hòa giải thành, được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Kết quả hòa giải ngoài tòa án được tòa án ra quyết định công nhận sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự...

Theo ông Hưng, trung tâm hòa giải thương mại được thành lập theo quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trung tâm hòa giải thương mại hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm