Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động thế nào?

Bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề nêu trên.

Thưa, bà nghĩ như thế nào đối với kiến nghị mới đây của Bộ Công thương với Thủ tướng về một số giải pháp mới nhằm bình ổn thị trường, theo đó các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu được tự định giá bán sản phẩm, nhưng phải cam kết ổn định giá bán ít nhất trong một quý?

Từ nửa cuối tháng 2/2008, chúng tôi đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về phương án lập quỹ bình ổn giá xăng dầu. Việc ổn định giá trong thời gian bao lâu tuỳ thuộc vào nguồn quỹ ổn định mà doanh nghiệp hình thành được.

Về nguyên lý, quỹ càng lớn thì thời gian bình ổn sẽ càng dài.

Vậy quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ hoạt động như thế nào?

Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được sử dụng để giảm tần suất và biên độ điều chỉnh giá so với biến động thực tế của giá thế giới diễn ra hàng ngày.

Khi điều hành theo nguyên lý này, sẽ không xảy ra việc tích tụ trong thời gian dài rồi điều chỉnh giá đột biến như đã diễn ra.

Phương án ban đầu của chúng tôi là đề nghị là ổn định tối thiểu 45 ngày, tương ứng với việc hình thành quỹ ở mức 3 -5% của giá bán (khi giá thế giới thấp). Còn nếu ổn định giá bán trong một quý thì quỹ dự phòng hình thành vào giá bán sẽ phải lớn hơn 5%.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng ngày 22/3 mới đây, chúng tôi đã đưa ra 3 mức quỹ dự phòng trong điều kiện mặt bằng giá bán hiện nay: ổn định 1 tháng, quỹ cần 210 tỷ đồng; ổn định 2 tháng, quỹ cần 420 tỷ đồng; ổn định 3 tháng, quỹ cần 620 tỷ đồng.

Khi ổn định giá bán trong một quý, người tiêu dùng sẽ phải chịu giá cao hơn so với giá thế giới cùng thời điểm vì phải cộng vào giá bán khoản dự phòng lớn hơn.

Áp dụng phương án này có nghĩa là khi giá thế giới thay đổi, người tiêu dùng sẽ chưa mua ngay được xăng dầu theo giá thực tế lúc đó, vì đã có van điều tiết từ quỹ, nhưng quan trọng là người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng đúng mức giá bình quân của thế giới tính trên chu kỳ 1 năm.

Suy cho cùng, khi đã tuân thủ cơ chế thị trường thì giá xăng dầu của Việt Nam phải bám sát giá thế giới, Nhà nước không bù lỗ và doanh nghiệp phải đảm bảo lợi nhuận tích luỹ cho đầu tư phát triển.

Thưa bà, đâu là khó khăn lớn nhất khi phương án lập quỹ bình ổn giá xăng dầu được phê duyệt và áp dụng?

Khi được phê duyệt, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là lượng quỹ ban đầu là không có.

Bởi vậy, Thủ tướng cho phép tạo cơ chế cho doanh nghiệp tạm vay quỹ là một hướng rất tốt để doanh nghiệp có thể thực thi phương án này có hiệu quả, nhất là giai đoạn giá thế giới còn biến động phức tạp như hiện nay.

Những yếu tố nào sẽ đảm bảo cho quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện hiệu quả nếu được phê duyệt?

Phương án lập quỹ mà Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam đệ trình đã có các kiến nghị để thực thi, trong đó việc bắt buộc hình thành quỹ ở các thời điểm giá thế giới thấp là rất quan trọng.

Đồng thời, cũng phải tuân thủ các nguyên tắc thống nhất trong việc chấp nhận giá đăng ký của doanh nghiệp, mức giá cũng như thời điểm áp dụng giá đăng ký… để việc sử dụng quỹ có ý nghĩa.

Theo Mộc Lan ( VnEconomy)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm