Quay lại thời mua hàng trả góp

Đếm số vạch tương ứng với số kỳ đã trả, chị Nguyệt cho biết: “Còn 600.000 đồng nữa là xong món nợ mua hàng góp”.

Quay lại thời mua hàng trả góp ảnh 1

Các món mỹ phẩm được chọn để bán trả góp cho dân công sở. Ảnh: Thanh Hảo

Theo mẹ ra chợ bán phụ, đến nay trở thành người bán chính, chị Nguyệt có 25 năm bán hàng ở chợ. Chị nói: “Mười mấy năm rồi giờ mới quay lại bán hàng trả góp”. Nếu không bán hàng góp, thời điểm hiện nay, chị Nguyệt có thể bán được vài món giá rẻ như thỏi son, cây chì kẻ mắt, cọ trang điểm… Từ lúc cho khách quen, thường là nhân viên bán hàng các sạp lân cận, khách văn phòng từng mua hàng nhiều năm qua, trả góp, họ mua nhiều hơn, mỗi người 2 – 3 món/lần. Hình thức thu tiền khá linh động. Khách văn phòng cuối tuần ghé trả một lần 500.000 đồng, trả 3 – 4 lần là xong. Với nhân viên trong chợ thì mỗi ngày trả 30.000 – 100.000 đồng.

Từ đầu tháng 12 đến nay, doanh số của chị Nguyệt đã tăng được gấp đôi. Do vốn ít, chị không dám bán trả góp nhiều, mức cao nhất cũng chỉ đến 3 triệu đồng/người và hiện đang có hơn mười khách mua trả góp chỗ chị.

Ở một vài chợ khu lao động, nhiều chủ sạp, chủ cửa hàng mời khách quen mua hàng trả góp. Bà Thiên, bán rau củ quả ở chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) mua trả góp ba xấp vải của sạp cùng chợ kể: “Nếu trả tiền liền hết 860.000 đồng, còn trả góp tính chẵn 1 triệu đồng (tức tăng thêm 14%), mỗi ngày đi bán hàng tôi trả 50.000 đồng, 20 ngày gạch sổ”. Những mặt hàng tiêu dùng đang bán trả góp hiện nay khá đa dạng, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thông dụng của các gia đình: vải, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, bộ chén, bộ nồi nấu bếp…

Những khách hàng như bà Thiên chấp nhận mua trả góp, theo cách tiết kiệm mỗi ngày một chút, để có được món hàng mình cần. Vì vậy người bán cũng hạn chế mức phải trả hàng ngày chỉ ở khoảng dưới 100.000 đồng/ngày. Thậm chí ở sạp chị Nguyệt nêu trên, có khách mua chai dầu gội ngoại nhập giá tiền ngay là 230.000 đồng, giá góp 240.000 đồng, cũng chọn giải pháp trả góp 20.000 đồng/ngày. Bởi cô phụ bán hàng ở khu hàng ăn trong chợ Bến Thành coi việc trả 20.000 đồng chỉ là “bớt tiền quà vặt”.

Theo một số chủ sạp, hiện có nhiều công nhân tìm đến mua hàng trả góp, họ sẵn sàng đưa giấy chứng minh làm tin, nhưng với khách lạ thì các chủ sạp vẫn không bán góp, dù món hàng chỉ khoảng 200.000 đồng.

Người buôn bán xem trả góp là giải pháp “chẳng đặng đừng” trong bối cảnh sức mua thấp như hiện nay. Bà Phương, chủ sạp bán vải ở chợ Phạm Văn Hai lý giải: “Đi lấy hàng bỏ ra một lúc cả chục triệu đồng, bán trả góp mỗi ngày thu lắt nhắt vài chục ngàn coi như xé nát khoản tiền của mình, chôn vốn trong đó, nên hễ bán hàng góp phải có sổ ghi, lấy hộp thiếc bỏ tiền góp vào riêng để đến hạn cộng dồn mới thấy buôn bán có lãi”.

Để giúp khách dễ mua, mà cũng để dễ bán hàng, hầu hết các chủ sạp, chủ cửa hàng bán hàng trả góp đều đang tìm các nguồn hàng giá vừa phải, có nhãn hiệu thị trường ưa chuộng mang về bán cho khách. Đáng chú ý, trong đó nhiều món hàng được gọi là “hàng xách tay”, mang hiệu nổi tiếng, nhưng có giá bán mềm. Đây là kênh tiêu thụ khá tốt cho những sản phẩm chưa minh bạch nguồn gốc xuất xứ, vì những khách không có nhiều tiền, thích hàng hiệu, sẵn sàng mua trả góp các sản phẩm này.

Theo Bích Nga (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm