Quảng Ninh liên tục đứng đầu chỉ số cạnh tranh

Ngày 15-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các bên liên quan tổ chức công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020. Đây là lần thứ 16 chỉ số này được công bố.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận danh hiệu quán quân PCI lần thứ tư liên tiếp. Ảnh: CL

Luôn cố gắng vượt qua chính mình

Những mô hình cải cách như lãnh đạo công, quản trị tư, đầu tư công, quản lý tư… khiến ngay cả việc xây dựng các văn phòng, trụ sở đều từ ngoài ngân sách. Nguồn lực ngoài nhà nước đều nhanh chóng, đáp ứng được ba bên Nhà nước, DN và nhân dân.

Quảng Ninh sẽ luôn cố gắng vượt qua chính mình để giữ vị trí đứng đầu trong các chỉ số như PCI, PAPI, SIPAS…

Ông NGUYỄN TƯỜNG VĂNChủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh 

Dự án nửa tỉ USD được cấp phép trong vòng 24 giờ

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá: Trong 16 năm qua PCI đã góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy, đem lại những chuyển biến tích cực về thái độ của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân. “Quan trọng hơn, PCI là thước đo hành động của chính quyền. PCI thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dựa trên những thực chứng từ kết quả PCI” - ông Lộc nhấn mạnh.

Quảng Ninh một lần nữa đã vượt qua chính mình và xác lập vững chắc vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI trong bốn năm liên tiếp. Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, sau khi nhận giải quán quân đã cám ơn cộng đồng doanh nghiệp (DN) những năm qua đã đóng góp vào chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh này.

Cùng với việc được PAPI - chỉ số về hiệu quả quản trị hành chính công xếp thứ nhất, ông Văn nói: “PCI và PAPI thể hiện sự tin cậy của nhân dân và DN với Quảng Ninh, đặc biệt là sự hài lòng của cộng đồng nhà kinh doanh đối với tỉnh”.

Để đạt kết quả này, Quảng Ninh không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, tỉnh tập trung vào nâng cao chất lượng nhân sự, sắp xếp tinh gọn bộ máy, áp dụng mô hình mới.

“Chúng tôi xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, có thực tiễn và thừa hưởng được truyền thống vươn lên của vùng đất mỏ” - ông Văn cho hay. Đội ngũ ấy, ông Văn cho biết được tuyển dụng thông qua thi tuyển để chọn được người giỏi nhất.

Về cải cách hành chính, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay tỉnh làm mạnh mẽ, giảm thiểu cả số lượng lẫn thủ tục hành chính trong một hồ sơ để giảm chi phí cho DN. Thông tin về đất đai, quy hoạch, giải phóng mặt bằng… đều được minh bạch. Kết quả là có nhiều dự án, mà mới đây nhất là một dự án trị giá 500 triệu USD, được cấp phép trong vòng 24 giờ.

Quảng Ninh hiện có khoảng 20.000 DN với nhiều nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu, tập trung vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; nhiều dự án đầu tư chế biến, chế tạo góp cho việc tái cơ cấu kinh tế tỉnh tốt hơn.

“Đầu tư thì tỉnh được biết đến như nơi có mô hình sáng tạo, ví dụ đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, 1 đồng ngân sách thu hút 9 đồng bên ngoài. Chính vì vậy tư nhân đầu tư vào sân bay Vân Đồn, cảng quốc tế Hòn Gai…” - lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dẫn chứng.

Một số lĩnh vực còn phiền hà

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng các kết quả của PCI có thể nhìn thấy rõ nhất là năm năm trở lại đây. Theo đó, DN đánh giá chính quyền tích cực hơn, chi phí không chính thức giảm thiểu. Cộng đồng DN cũng đặt niềm tin lớn hơn vào các thiết chế pháp lý và tình hình an ninh trật tự tại các địa phương. Việc phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế từng gây nhức nhối nhiều năm trước, nay đã giảm đáng kể và môi trường kinh doanh trở nên bình đẳng hơn trước rất nhiều.

“Bên cạnh những lĩnh vực có nhiều tiến bộ, hoạt động cải cách cần được chú trọng hơn ở một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội… DN cũng kỳ vọng chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình” - ông Lộc phát biểu.

Theo PCI, có 25% DN cho rằng địa phương ưu ái các DN nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân; 33% DN cho rằng chính quyền còn ưu ái cho nhà đầu tư nước ngoài. Vẫn còn 40% DN chưa sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế.

Đáng chú ý, có gần 45% DN cho biết phải trả các chi phí không chính thức; 54% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn; 20% DN đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% DN phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh tra, kiểm tra quá năm lần.

Nói thêm về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI 2020, cho hay: Số DN cho biết đã tiếp đón đoàn thanh tra, kiểm tra của một số cơ quan như hải quan, công an kinh tế, môi trường giảm khoảng 50% so với năm 2016.

“Ngay cả những cơ quan thường kiểm tra DN nhất như thuế, an toàn phòng chống cháy nổ cũng có xu hướng giảm tỉ lệ thanh tra, kiểm tra. Tỉ lệ DN cho biết cán bộ lợi dụng công tác thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu đã giảm từ con số 18,9% của năm 2017 xuống còn 14,3% năm 2020” - ông Tuấn dẫn chứng.

Một chỉ số khác đáng quan tâm là cạnh tranh bình đẳng. Dẫn kết quả khảo sát PCI năm 2020, ông Tuấn cho biết tỉ lệ DN đánh giá chính quyền địa phương ưu ái các DN có phần vốn nhà nước gây khó khăn cho DN tư nhân đã giảm. Tuy thế, DN tư nhân vẫn nhận thấy chính quyền các tỉnh có những ưu tiên giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN đầu tư nước ngoài hơn so với DN tư nhân.

Nhưng ông Tuấn nhấn mạnh tỉ lệ DN tư nhân cho biết sự ưu đãi cho công ty lớn (cả Nhà nước và tư nhân) là cản trở đối với hoạt động kinh doanh của DN chỉ giảm nhẹ so với năm 2016. “Điều này cho thấy chính quyền các địa phương vẫn cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN tư nhân” - ông Tuấn lưu ý.

TP.HCM đứng thứ 14

Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 14.000 DN. Theo đó, Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng năm thứ tư liên tiếp với số điểm đánh giá 75,09, tăng 2,69 điểm so với năm 2019.

Top 10 các tỉnh, thành trong bảng xếp hạng gồm: Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh. Các tỉnh, thành phố này đã có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc, cải thiện chỉ số gia nhập thị trường, giảm thiểu chi phí không chính thức cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN…

Cũng theo kết quả PCI 2020, TP.HCM không nằm trong 10 tỉnh có chỉ số cao nhất mà xếp thứ 14. Có thể một số điểm thành phần đã kéo TP.HCM “tụt hạng”, gồm gia nhập thị trường, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ. Các chỉ số này tụt dần theo các năm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm