Vũng Tàu: Xin phép quảng cáo, phải chung chi- Bài 2: “Đồng tiền chia năm xẻ bảy!”

Trong vai giám đốc một công ty quảng cáo mới thành lập, đang có khách hàng yêu cầu thực hiện hai bảng pano quảng cáo lớn ngoài trời với diện tích 400 m2/bảng (hai mặt) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu, PV hẹn gặp ông Trung tại quán cà phê Tommy (3 Bacu, TP Vũng Tàu) để hỏi thăm thủ tục ban đầu.

Làm giá để chung chi cho xây dựng và chia cho lãnh đạo

Ngay khi biết được nhu cầu cần đặt bảng quảng cáo lớn, mới tại một vài điểm đang khảo sát trên địa bàn tỉnh, ông Trung liền hối thúc cần tiến hành hồ sơ thiết kế xây dựng ngay, khi đầy đủ hồ sơ thì mang xuống cho ông. Sau đó, ông sẽ gọi điện thoại làm việc với bên xây dựng, vì pano quảng cáo mới phải cần thẩm định của chuyên gia xây dựng.

Rồi ông Trung ngắn gọn cho biết: “Theo ước tính, giá đầu tư cho một bảng quảng cáo 400 m2 ban đầu hơn 1 tỉ đồng. Vì thế tiền phải chi cho bên xây dựng là 20 triệu đồng. Vừa rồi một số thằng bên xây dựng có vòi lên một chút từ 25 đến 30 triệu đồng nhưng tinh thần mình vẫn muốn giữ ở mức này (mức 20 triệu đồng). Còn phía bên này (phần chi cho việc cấp giấy phép) thì giá 100.000 đồng/m2… (tính ra là 40 triệu đồng/pano)”.

Viện cớ doanh nghiệp (DN) mới bắt đầu làm hai bảng pano quảng cáo đầu tiên nên PV xin xét giảm giá chút ít, ông liền khước từ với lý do giá này lâu nay được xem là giá chuẩn để chung chi cho người này, người nọ có liên quan. “Tính ra chừng này nhưng khi chia năm, xẻ bảy thì mỗi người không làm được gì cả. Nói thật trong số tiền 40 triệu đồng đó, mấy anh em ở Sở chỉ được có 50%, lãnh đạo mất 15%” - ông Trung cho biết.

Ông còn cho biết thêm hiện nay việc quy hoạch quảng cáo của tỉnh vẫn chưa có, vì vậy nếu làm thì nên xúc tiến sớm, để sau này khi tỉnh phê duyệt quy hoạch thì rất khó. Hơn nữa, làm hợp đồng thuê đất phải chú ý ký dài hạn 5-10 năm thì tốt. Khi nào chuyển phí thì theo cách lâu nay đã thực hiện (tiền trao tay hoặc chuyển qua ngân hàng hay gửi qua xe), phần tiền chi phí cho Sở có thể từ từ, riêng phần chi phí bên xây dựng thì nên chuyển sớm ngay khi có hồ sơ. Phần này mình xin thưa sợ bên ấy không nhận, nếu đã nhận rồi thì bên ấy phải có trách nhiệm. Còn sau này khi gia hạn chỉ tốn 50% thôi, bởi vì đã được lần đầu rồi thì lần sau quá dễ.

Vũng Tàu: Xin phép quảng cáo, phải chung chi- Bài 2: “Đồng tiền chia năm xẻ bảy!” ảnh 1

Ông Trung đang ra giá hai bảng quảng cáo với PV và giải thích vì phải ăn chia cho lãnh đạo.

Vũng Tàu: Xin phép quảng cáo, phải chung chi- Bài 2: “Đồng tiền chia năm xẻ bảy!” ảnh 2

Bút tích ông Trung ghi giá tiền cho PV biết.

Doanh nghiệp góp ý nhưng chẳng thấy tiếp thu

Một giám đốc DN quảng cáo giấu tên khác trên địa bàn TP.HCM cũng xác định trước đây khoảng năm 2005-2006, đã bị ông Trung “vòi vĩnh” đòi thu tiền quá quy định. Do yêu cầu phải giữ khách hàng nên DN phải “bấm bụng” chịu chung chi trước rồi sau hãy tính. Vì thấy các chi phí quá vô lý nên ông giám đốc này đã làm việc trực tiếp với ông Trung và khuyến cáo ông nên làm việc theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Trung thẳng thừng tuyên bố: “Các anh không cần phải lo vì sau lưng tôi có chỗ dựa khá vững vàng. Vì thế địa bàn do tôi quản lý thì tôi quyết định mức giá, nếu DN nào không chấp nhận thì có thể rút lui, không có gì phải vướng bận…”.

Vì quá bức xúc, có vài DN đã phải hủy bỏ một số hợp đồng làm quảng cáo ở Vũng Tàu do không chấp nhận được kiểu vòi tiền của ông Trung. Một số DN khác phải “ngậm đắng nuốt cay” chấp nhận mức phí khá nặng mà ông Trung đưa ra vì đã lỡ thỏa thuận ký hợp đồng với khách hàng.

Sau đó không lâu, ông giám đốc DN này có cơ hội làm việc với giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh và ông tiếp tục phản ánh tình hình khuất tất của ông Trung cho vị giám đốc Sở này nghe. Nhưng sau đó thì mọi việc vẫn đâu vào đấy và không hề có sự chuyển biến nào trong quy trình cấp phép quảng cáo ngoài trời cho các DN cho đến nay.

Trích băng ghi âm

Trong vai một giám đốc DN mới thành lập, PV đã tiếp cận ông Trung và ông này đã ra giá quảng cáo, thậm chí kể việc ăn chia với lãnh đạo và sở khác.

. Em là DN mới, tính xin hai pano ở Tân Thành đó anh.

+ Nói nôm na thì cứ làm hồ sơ đi, sau đó mình làm thiết kế xây dựng. Sau đó ký tên đóng dấu, kèm hồ sơ xuống đây. Sau đó mình sẽ “a lô” làm việc cho Sở Xây dựng, làm pa nô lớn phải thông qua xây dựng đó.

. Nói thật là em khảo sát làm hai pano đó. Mọi cái nhờ anh giúp giùm.

+ Có giới thiệu quen biết, thôi cứ làm. Nhưng mình phải chuyển qua thằng xây dựng, vì cái gì cũng phải thông qua nó một chút và đây là công trình lớn. Nếu tính diện tích là 400 m2, mình đầu tư không phải ít. Nói ngắn gọn là khoảng chi cho xây dựng là 20 “chai”, còn bên mình là 100.000 đồng/m2. Hiện nay một số thằng bên xây dựng đang vòi lên, tăng thêm một chút lên khoảng 25-30 triệu đồng. Nhưng tinh thần mình muốn giữ nó mức này, có lên chút thì chi nó thêm ít thôi.

. Cái này mình bớt một chút được không anh?

+ Cái này là chuẩn của nó rồi, lâu nay có người này, người này là bao nhiêu rồi. Tính ra chia năm xẻ bảy không còn bao nhiêu. Phải chia qua huyện thẩm định nữa, trên địa bàn của nó thì nó là quản lý cơ sở.

. ….

+ Nói ra thì nói thật, trong 40 triệu đồng đó, mấy anh em ở Sở chỉ được khoảng 50%, anh em nói thẳng với nhau là lãnh đạo và các bộ phận chi phí đều vào đó. Lãnh đạo mất đi một ít là cũng phải hơn 15%, còn anh em khác chỉ có 5triệu đồng thôi.

. Em đang còn phải chờ thỏa thuận với khách hàng…

+ Cái gì cái gì cái... Nếu làm thì nên xúc tiến sớm và ký lâu lâu.

NHƯ NGHĨA - TÂM BẢO

Kỳ sau: Cơ quan chức năng vào cuộc

Báo Pháp Luật TP.HCM đã chuyển những thông tin liên quan đến hành vi tiêu cực của ông Trung cho cơ quan chức năng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm