Vịnh Hạ Long: 15 năm bị “bán rẻ”

Vịnh Hạ Long: 15 năm bị “bán rẻ” ảnh 1
Vịnh Hạ Long là điểm đến du lịch có nhiều danh hiệu nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất về môi trường, đặc biệt là mâu thuẫn giữa các đối tượng khai thác du lịch. Trong ảnh: những người bán hàng rong vây quanh thuyền du lịch trên vịnh - Ảnh: Châu Anh
Một hội thảo với nhiều ý tưởng, tranh luận và cũng không ít bức xúc về tình trạng khai thác du lịch nhiều bất cập tại di sản thiên nhiên độc đáo này.

"Hạ Long vẫn là một điểm đến chưa tạo ra độ tin cậy thật sự"

Ông Nguyễn Văn Tuấn (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch)

Hoạt động du lịch: 15 năm giậm chân tại chỗ
Thực tế bảo tồn và phát triển vịnh Hạ Long được tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá: “Chúng ta đã chứng kiến hệ thống rừng ngập mặn vốn là hàng rào bảo vệ cho Hạ Long ở ven bờ hầu như bị hủy hoại hoàn toàn...,  các rạn san hô cũng suy kiệt dần”. Vịnh Hạ Long được biết đến bởi rất nhiều danh hiệu tầm cỡ thế giới nhưng thực trạng khai thác, hoạt động du lịch lại chẳng khác gì 15 năm về trước. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: các tổ chức hoạt động du lịch vừa bán rẻ tài nguyên du lịch, vừa không hiệu quả. “Hạ Long vẫn là một điểm đến chưa tạo ra độ tin cậy thật sự khi tình trạng lộn xộn tại cảng tàu, các hành vi lừa đảo, gian lận về chất lượng dịch vụ chưa được kiểm soát” - ông Tuấn thẳng thắn. Đó là thực tế xót xa và không thể chối cãi của 15 năm bảo tồn và phát triển vịnh Hạ Long. Báo cáo của PGS.TS Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) phân tích: những xung đột trong phát triển giữa các ngành kinh tế khác với ngành du lịch trong một không gian không lớn của vịnh là hệ quả tất yếu của “tầm nhìn” đối với phát triển của Hạ Long bên cạnh hạn chế trong quản lý và ảnh hưởng của “lợi ích nhóm”. Tình trạng phát triển du lịch thiếu tuân thủ quy hoạch và nguyên tắc tại một số khu vực quan trọng ở Hạ Long mà điển hình là Tuần Châu cũng đang là một thách thức không nhỏ. Bảo tồn là ưu tiên hàng đầuĐó là ý kiến của nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan trong lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển ở vịnh Hạ Long. Ông Vũ Khoan cho rằng: bảo tồn phải được ưu tiên hàng đầu, còn ý kiến muốn kết hợp cả hai chỉ là câu trả lời quá dễ dãi. “Không thể hủy hoại những báu vật thiên tạo vì những mối lợi trước mắt. Tâm lý của người tham quan là muốn được cảm nhận cái nguyên sơ, cổ kính chứ không phải những cái tân tạo, nhất là những sự tân tạo thô thiển” - ông khẳng định. Dù vậy, quan điểm bảo tồn cũng vấp phải ý kiến phản đối của những người thiên về quan điểm phát triển du lịch. Thậm chí đại diện một tập đoàn du lịch lớn ở Hạ Long còn mạnh dạn đề nghị: nên đấu thầu vịnh Hạ Long để tạo điều kiện cho đầu tư và phát triển du lịch. Trên cơ sở những thảo luận của hội thảo, khung kế hoạch hành động phát triển điểm đến vịnh Hạ Long do TS Hà Văn Siêu (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) trình bày, đề xuất năm trọng tâm hành động: đánh giá tổng thể các chương trình, quy hoạch; áp dụng tiêu chí du lịch bền vững toàn cầu đối với điểm đến; xem xét những khuyến nghị của Unesco; quy hoạch phát triển du lịch khu vực di sản vịnh Hạ Long; triển khai kế hoạch phát triển điểm đến vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, tham vọng thống nhất khung chương trình ngay trong hội thảo đã phá sản bởi nó vẫn chỉ loay hoay trong khía cạnh du lịch, trong khi vịnh Hạ Long lại chịu tác động từ rất nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Không nên “cải tạo” bất kỳ cái gì

“Không nên “cải tạo”, “xây dựng”, “làm đẹp” bất kỳ cái gì trên vịnh, hãy cứ để thiên hạ được thụ hưởng cái đẹp trời cho vì giỏi đến đâu con người cũng không thể làm thay thiên nhiên, có chăng chỉ giỏi làm hỏng nó.

Nếu cần làm gì để phục vụ, thu hút khách vãng lai, ví dụ bến thuyền, bậc thang lên các hang động... thì nhất thiết phải đảm bảo tính hài hòa với thiên nhiên, tránh cách tiếp cận “vĩ cuồng”, xây dựng “hoành tráng”, nhất là bêtông hóa tràn lan. Tôi rất lo ngại khi loáng thoáng nghe thấy những ý tưởng quá lãng mạn như xây cáp treo giữa các đảo hay xây nhà nghỉ trên một số đảo”.

Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan

Theo Hà Hương (TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm