Vietnam Airlines phản đối lập liên doanh hàng không giá rẻ

Vietnam Airlines lo ngại một khi Air Asia tham gia với 30% cổ phần trong Vietjet Airlines, thị trường sẽ xáo trộn. Kiến nghị của Vietnam Airlines đưa ra chỉ sau 2 tuần Vietjet Air tuyên bố bán khoảng 30% cổ phần cho hãng giá rẻ của Malaysia AirAsia.

Trong văn bản này, Vietnam Airlines cho rằng việc Air Asia đầu tư vào Vietjet Air thực sự là mối lo với thị trường Việt Nam. Với tiềm lực của mình, Air Asia đã có kế hoạch hợp tác với hãng giá rẻ của Australia – Jetstar thành lập liên minh các hãng hàng không chi phí thấp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và có chiến lược mở rộng mạng lưới trong khu vực.

Theo Vietnam Airlines, với 30% cổ phần trong Vietjet Air, Air Asia có khả năng tham gia hội đồng quản trị của liên doanh và có thể tiếp tục lách luật bằng cách quy định các vấn đề phải thông qua hội đồng quản trị phê duyệt để điều hành hãng theo ý đồ của mình.

Từ các phân tích của mình, Vietnam Airlines kiến nghị phải quản lý chặt chẽ thị trường nội địa trị giá hàng tỷ USD cùng với an ninh nội địa. Đồng thời cần sửa đổi Nghị định 76/2007 của Chính phủ theo hướng bổ sung quy định về tỷ lệ vốn góp của các hãng hàng không nước ngoài trong doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không tại Việt Nam.

Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc Vietjet Air - Nguyễn Đức Tâm khẳng định Vietjet Air là pháp nhân độc lập, tự chủ và việc hãng bán 30% cổ phần cho AirAsia là hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Theo ông Tâm, với tỷ lệ góp vốn 30%, AirAsia chỉ giữ vai trò một cổ đông trong công ty, bình đẳng như mọi cổ đông khác. Mọi chiến lược của công ty đều do Hội đồng Quản trị quyết định theo nguyên tắc đa số. Do đó, khi đi vào hoạt động hãng vẫn giữ nguyên tên cũ là Vietjet Air cùng với tên thương mại VietJet AirAsia. “Logo và thương hiệu đang trong giai đoạn hoàn tất, phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam cũng như các khuyến cáo của Cục hàng không, Bộ Giao thông Vận tải”, ông Tâm nhấn mạnh.

Vietjet Air cho biết đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để có thể thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 5 tới hoặc có thể sớm hơn. Tổng giám đốc Nguyễn Đức Tâm khẳng định hãng đã rút ra được bài học từ câu chuyện thương hiệu của hãng giá rẻ Jetstar Pacific, do đó, quan điểm của Vietjet Air là chỉ làm những gì mà luật pháp cho phép và không cấm.

Trên thực tế, bỏ qua những rắc rối về mặt thương hiệu, kể từ khi có sự góp mặt của hãng giá rẻ - Jetstar Pacific Airlines thị trường hàng không VN có sự cải thiện rõ rệt. Giá vé cũng ngày một giảm hơn, có thời điểm trên trục bay nội địa của Jetstar Pacific Airlines đã xuất hiện những con số giật mình 15.000 đồng cho một chiều bay.

Tại thời điểm mới ra mắt tháng 5/2008, Hãng hàng không Indochina Airlines của nhạc sĩ Hà Dũng còn miễn phí cho hành khách dùng thử dịch vụ trên một số chuyến bay. Chính vì thế, trong tiềm thức những người từng bay với Indochina Airlines, chất lượng phục vụ của hãng này được xếp vào hàng miễn chê dù rằng giờ đây, hãng này đang gặp rắc rối về vốn và cái tiếng nợ nần.

Sự có mặt của Jetstar Pacific và Indochina Airlines cũng khiến Vietnam Airlines nhận thấy sức ép cạnh tranh nên dù tuyên bố mình là hãng hàng không đẳng cấp, hãng cũng đang bước vào cuộc đua giảm giá khi liên tục tung chiêu khuyến mãi trên cả trục bay nội địa lẫn quốc tế.

Một chuyên gia am hiểu lĩnh vực hàng không nhận xét thất bại của Indochina Airlines là bài học xương máu để Vietjet Air hiểu rằng muốn gia nhập thị trường và tồn tại lâu dài phải tiềm lực tài chính cực mạnh. Câu chuyện về thương hiệu Jetstar Pacific nhùng nhằng gần 3 năm trời cũng sẽ là bài học cho Vietjet Air. "Có vẻ như Vietnam Airlines quá lo xa khi cho rằng sự hiện diện của Air Aisia với 30% cổ phần của Vietjet Air có thể khiến thị trường hàng không nổi sóng theo hướng bất lợi cho các hãng nội địa", vị chuyên gia nói.

Hùng Anh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm