Trung tâm thương mại o bế ‘thượng đế’ thời dịch Corona

Chị Trúc Quỳnh vội vã bước ra từ một nhà hàng nằm trong trung tâm thương mại (TTTM) ở quận 1, TP.HCM cho hay: “Vì tiếp đối tác quan trọng nên tôi mới lui tới khu vực đông người. Không chỉ tôi mà đối tác cũng lo ngại khi phải đến các khu vực đông người. Tuy nhiên, phía nhà hàng đo thân nhiệt và cung cấp nước rửa tay khô ngay khu vực ra vào… nên chúng tôi cũng yên tâm phần nào”.

Tâm lý e ngại đến nơi đông người để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch Corona như chị Trúc Quỳnh không phải là cá biệt. Chính điều này khiến các TTTM, chuỗi nhà hàng, quán ăn đìu hiu. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng vì thế mà đảo lộn.

Kinh doanh đảo lộn vì dịch Corona

Khảo sát các khu vực lâu nay vốn dĩ đông đúc như TTTM Giga Mall, Saigon Center, Pearl Plaza, Vạn Hạnh Mall, CT Plaza Tân Sơn Nhất, chúng tôi nhận thấy rạp chiếu phim, nhà hàng, quán ăn lớn, các điểm vui chơi… tại đây đều đìu hiu. Điều này khiến đơn vị kinh doanh thất thu nặng.

Đại diện quản lý một chuỗi đồ nướng Hàn Quốc tại TTTM Giga Mall chia sẻ: “So với mọi năm, thời điểm này doanh thu giảm hơn một nửa. Lượng khách đến thưa thớt, thậm chí những ngày cuối tuần cũng vắng khách một cách khác thường”.

Cũng theo vị đại diện chuỗi cửa hàng trên, dù khách ít nhưng giá thuê mặt bằng trong TTTM đắt đỏ và không hề giảm. Thêm vào đó các chi phí điện, nước, chi phí phát sinh do dịch Corona…  cao. “Doanh thu giảm ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của nhân viên chuỗi cửa hàng” - vị đại diện lo lắng.

Tương tự, chị Nguyễn Kim Lý, quản lý cửa hàng thời trang tại một TTTM lớn ở quận 1, thông tin: Nếu doanh thu trước đây đạt 30-40 triệu đồng/ngày thì hiện nay không đạt được con số đó, bởi khách tham quan cũng không có chứ chưa tính đến chuyện khách vào mua hàng. Tuy nhiên, chị Kim Lý cho hay tổng doanh thu của cửa hàng chưa đến mức báo động đỏ bởi hình thức mua online có phần tăng lên, bù đắp được một phần doanh số mua trực tiếp tại cửa hàng.

Ông Hai Nhất, chủ nhà hàng ăn uống chuyên các món lẩu tại đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, than thở: “Sau khi Nghị định 100/2019 ra đời, lượng khách hàng giảm mạnh dù chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp để giữ chân khách như đưa khách về tận nhà sau khi ăn nhậu. Sau tết, dịch Corona bùng phát khiến khách hàng của quán vốn đã giảm càng giảm nhiều hơn”.

Không chỉ kinh doanh thời trang, ăn uống sụt giảm mà dịch vụ giải trí như rạp chiếu phim cũng đìu hiu. Chẳng hạn, cuối tuần vừa qua rạp chiếu phim CGV tại TTTM Pearl Plaza chỉ lác đác vài khách hàng bịt khẩu trang kín mít khi xem phim.

“Nếu trước đây những bộ phim hay luôn thu hút khách kín rạp thì nay rất lèo tèo, chưa bằng 2/3 so với trước dù chúng tôi có nhiều phương án để đảm bảo an toàn cho khách trong mùa dịch” - nhân viên tại rạp chiếu phim trên cho biết.

Trung tâm thương mại vắng người mua sắm giữa mùa dịch Corona. Ảnh: THU HÀ

Khách hàng được o bế nhiều hơn

Để ứng phó với dịch Corona, các TTTM, rạp chiếu phim, nhà hàng đã đưa ra nhiều phương án khá linh hoạt. “Dù kinh doanh thời dịch bệnh hết sức khó khăn nhưng chúng tôi không thể cứ ngồi đó than thở mà trước hết phải tự cứu mình” - ông Nhất chia sẻ.

Cụ thể, quán ăn của ông Nhất luôn có gel rửa tay khô cũng như các bồn rửa tay và xà phòng ở khu vực ăn uống. Chén bát được hấp sấy thường xuyên hơn, đồng thời đưa ra nhiều chương trình giảm giá để o bế khách hàng. “Trong lúc khó khăn, người kinh doanh phải tự chuyển đổi, hiểu và chiều khách hàng hơn. Ví dụ, thời gian tới tôi sẽ tăng cường bán các món đặc sản qua online và bán thêm đồ ăn sáng” - ông Nhất nói.

Đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam khẳng định hiện phần lớn khách hàng chọn đặt mua hàng qua email, điện thoại và giao hàng tận nơi. Vì vậy, hệ thống này đang đầu tư chăm sóc mạnh cho kênh bán hàng trên. Hệ thống siêu thị Big C cũng đẩy mạnh hình thức giao hàng tận nơi với các sản phẩm tiêu dùng khô, đồng thời miễn phí giao hàng để thu hút “thượng đế”.

Trong khi đó người quản lý nhà hàng nướng Hàn Quốc tại Giga Mall nhìn nhận rằng kinh doanh online không phải phù hợp với tất cả. Vì đặc trưng món nướng không thể phát triển kinh doanh online nên nhà hàng phải tự tạo ra các phương án phòng, chống dịch để khách yên tâm. Chẳng hạn, nhà hàng chuẩn bị sẵn máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát trùng cho khách, tăng cường sát khuẩn vị trí tay cầm cánh cửa ra vào…

Còn đại diện của một TTTM lớn tại quận 1, TP.HCM thừa nhận số người tham quan, mua sắm giảm đáng kể từ sau khi dịch Corona xảy ra. “Hiện tại, chúng tôi được thực hiện rất nhiều biện pháp phòng tránh lây nhiễm dịch Corona. Đơn cử như lắp đặt máy đo thân nhiệt như ở các sân bay để nhận diện được thân nhiệt của tất cả người di chuyển trong TTTM; lau dọn thường xuyên để đảm bảo vệ sinh tòa nhà và cả những khu vực cầm nắm như lan can cầu thang, tay nắm cửa, thang máy; thành lập nhóm phản ứng nhanh trong mùa dịch Corona.

Chợ nổi tiếng cũng vắng khách

Do ảnh hưởng dịch Corona nên chợ đêm Bến Thành lâm vào cảnh buôn bán ế ẩm. Cụ thể, khảo sát khu vực chợ đêm Bến Thành (nằm trên đường Phan Chu Trinh) cho thấy dù mới 9 giờ 30 tối nhưng chỉ vài quầy kinh doanh mặt hàng thời trang, lưu niệm, giày... là có khách ghé mua sắm. Các quán ăn nằm ngay chợ đêm vốn tấp nập nay chỉ lác đác vài khách. Nhiều người bán cho hay sức mua giảm hơn 50% so với khi chưa xảy ra dịch Corona.

Trung tâm thương mại o bế ‘thượng đế’ thời dịch Corona ảnh 2
Rạp chiếu phim CGV phun thuốc khử trùng để bảo đảm an toàn cho khách. Ảnh: THU HÀ

Tọa lạc ngay tại tầng hầm khu B Công viên 23-9 (quận 1) nhưng TTTM Central Market hay còn gọi “chợ ngầm” dưới lòng đất cũng vắng hoe. Dù mới 9 giờ tối nhưng một số sạp kinh doanh hàng thời trang, valy tại đây đã đóng cửa.

T.UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm